Cựu nữ sinh ĐH FPT: Công nghệ thông tin không phải ngành khó cho nữ giới

Nữ giới ngành IT được hỗ trợ trong quá trình học, làm việc và trao cơ hội thử sức nhiều vị trí để khẳng định năng lực, theo chị Nguyễn Lan Anh – quản lý tại FPT Software.

Mới đây, tại một hội thảo, bà Chu Thị Thanh Hà – Chủ tịch FPT Software cho biết, khóa sinh viên đầu tiên của ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học FPT chỉ có 5% nữ giới. Năm 2022, con số này đạt 14%, tức đã tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn. FPT Software cũng chỉ có 31% nhân sự nữ.

Nằm trong đội ngũ ít ỏi này, sau bốn năm học tại Trường Đại học FPT và hơn 10 năm làm việc cho FPT Software, chị Lan Anh khẳng định học và làm việc trong ngành công nghệ thông tin không khó với nữ giới.

“Quá trình học, tôi được nhiều thầy cô và cán bộ nhân viên ưu ái. Các hoạt động phong trào cũng khuyến khích các bạn nữ tham gia. Tại Trường Đại học FPT, khi tham gia phong trào, sinh viên sẽ được tính điểm rèn luyện vào bảng thành tích hoạt động”, chị nói thêm.

nu sinh hoc cong nghe thong tin dai hoc fpt
Nguyễn Lan Anh – cựu sinh viên khóa 5, Trường Đại học FPT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi làm việc tại FPT Software, Lan Anh cũng không gặp rào cản về “định kiến giới” trong môi trường doanh nghiệp này. Nữ quản lý sinh năm 1991 kể lại, chị tốt nghiệp năm 2013 nhưng đã đi làm bán thời gian tại FPT Software từ năm 2011, trước kỳ thực tập chính thức của trường.

Sau khi ra trường, Lan Anh tiếp tục ký hợp đồng với công ty. Duy trì tinh thần sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội từ thời thực tập, trong hơn 10 năm làm việc tại đây, cứ ba năm, chị thay đổi vị trí một lần để thử sức ở một nhiệm vụ, lĩnh vực mới. Nhờ đó, cô gái sinh năm 1991 được làm nhiều việc, liên tục học hỏi cái mới, tham gia hàng loạt dự án trị giá hàng triệu USD của công ty. Hiện, chị làm Trưởng phòng hỗ trợ quản trị dự án cho FPT Software.

Năm 2012, nữ quản lý lọt top 100 nhân viên xuất sắc của FPT Software. Đến năm 2020, chị tiếp tục được ghi nhận và vào top 100 nhân sự tốt nhất Tập đoàn FPT.

Lan Anh cho biết, thời điểm chọn theo ngành công nghệ thông tin và Trường Đại học FPT, chị bị gia đình ngăn cấm. Nữ sinh ngày ấy đã trốn bố mẹ để thi vào trường trước khi tham gia thi kỳ đại học chung trong tháng 7.

Sau khi có giấy trúng tuyển và đạt học bổng 50% từ trường, chị bắt đầu thuyết phục bố mẹ cho học. Trải qua nhiều năm học tập, làm việc và được công nhận tại trường, công ty, đến nay, gia đình đã hoàn toàn ủng hộ quyết định của con gái thời điểm đó.

“Chị em làm IT sướng mà. Đồng nghiệp và cấp trên không định kiến hay hà khắc. Lãnh đạo luôn tạo cơ hội và trao quyền phát triển bản thân cho nhân sự nữ chứng minh được năng lực”, chị nói thêm.

nu sinh hoc cong nghe thong tin dai hoc fpt 1
Chị Lan Anh đang đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng hỗ trợ quản trị dự án cho FPT Software. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để khẳng định năng lực, chị Lan Anh cho biết bản thân đã trang bị ba yếu tố cốt lõi ngay từ khi còn học tại trường đại học, gồm: nền tảng chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Theo chị, chương trình học tại Trường Đại học FPT khá nặng, tỷ lệ 60% lý thuyết và 40% thực hành. Ngay sau kỳ chuyên ngành đầu tiên, từ 6 sinh viên nữ, lớp chị chỉ còn hai người trụ lại. Phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng đa dạng và giúp người học nhớ lâu, hiểu bản chất. Trong đó, chị ấn tượng nhất với thầy Phan Đăng Cầu khi dạy sinh viên code trên giấy. Thay vì làm phần mềm, hệ thống sẽ phát hiện và báo lỗi sai, sinh viên làm trên giấy phải nhớ từng dấu chấm, phẩy hay dấu cách.

Tuy nhiên, nếu vượt qua yêu cầu của trường, sinh viên có thể thích nghi với công việc thực tế nhanh chóng. Nữ quản lý nhận định, nhớ và biết toàn bộ kiến thức trong chương trình bậc đại học là điều không thể, nhưng Trường Đại học FPT có phương pháp dạy là đưa ra “keyword”. Từ đó, sinh viên tự tìm hiểu, nghiên cứu thêm để kiến thức thực sự trở thành “tài sản” của mình.

Trong quá trình làm việc, điều này cũng giúp ích rất nhiều. Khi tham gia trao đổi với lãnh đạo, đồng nghiệp, đối tác…, nghe đến bất kỳ lĩnh vực nào, hầu hết nhân sự xuất phát từ Trường Đại học FPT có thể nắm bắt “keyword” và sau đó, tự tìm hiểu, trau dồi, bổ sung kiến thức.

“Trong môi trường doanh nghiệp, nếu bạn không hiểu lời đối phương nói, bạn có thể bị thụt lùi so với nhiều người khác, đồng thời, khó thích nghi, học hỏi một cách nhanh chóng”, chị nhấn mạnh.

Về ngoại ngữ, cựu sinh viên Đại học FPT đã học song song tiếng Anh và tiếng Nhật theo chương trình bắt buộc của trường. Với Lan Anh, Tiếng Nhật là môn học khó nhất, đặc biệt là khi phải học song song với tiếng Anh và các ngôn ngữ lập trình. Thế nhưng, chị luôn nỗ lực vượt qua bởi Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng nhất của nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam, trong đó có FPT Software.

Bên cạnh đó, trong quá trình học tại Trường Đại học FPT, Lan Anh tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng mềm. Ngay từ năm nhất, chị đã hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh ở trường. Với trải nghiệm thực tiễn của mình, nữ sinh lúc ấy đã “lay chuyển” định kiến của nhiều phụ huynh, giúp các bạn trẻ theo đuổi ước mơ công nghệ. Đồng thời, chị cũng thành lập nhiều câu lạc bộ như iGo, guitar…

“Các hoạt động này giúp tôi trau dồi kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề, phối hợp… Trường có môn học kỹ năng mềm nhưng nếu chỉ học thôi là chưa đủ, sinh viên cần ứng dụng kiến thức vào thực tế”, chị nói thêm.

Ngoài ra, chị cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của kỹ năng tự học. Dù đang nắm vị trí quản lý tại một trong những công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, Lan Anh vẫn dự định học hỏi nhiều hơn, từ đó, phát triển đội ngũ quản lý dự án.

Theo VnExpress

Bài viết liên quan