Vượt qua nhiều tiêu chí của giải thưởng “Expert Level Instructor”, Trường Đại học FPT có 3 giảng viên nhận giải thưởng “Giảng viên cao cấp toàn cầu” do Học viện Mạng Cisco bình chọn.
Liên tiếp trong hai năm 2021 – 2022, Trường Đại học FPT đã có 3 giảng viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) được xướng tên ở hạng mục “Expert Level Instructor” gồm: anh Mai Hoàng Đỉnh, anh Nguyễn Văn Vịnh và anh Hồ Hải. Đây là giải thưởng ghi nhận những thành tích, đóng góp của các giảng viên cho Học viện Mạng Cisco và dành cho 10% giảng viên hàng đầu trên toàn thế giới thông qua các tiêu chí: kết quả học tập, phản hồi của người học về giảng viên và khóa học.
Người tiên phong mang Cisco về Đại học FPT
Năm 2021, anh Hồ Hải là một trong 2 giảng viên đầu tiên của ĐH FPT giành giải “Expert Level Instructor”. Anh cũng là người tiên phong thành lập học viện mạng “FPT University HCMC Cisco Academy” trong trường.
“Tôi từng thuyết phục ban phát triển chương trình của trường đồng ý đưa Cisco vào giảng dạy; vừa chứng minh với Công ty Cisco Systems Việt Nam rằng Đại học FPT đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để thành lập học viện. Sau nhiều nỗ lực cùng sự giúp sức của ban lãnh đạo và đồng nghiệp, tháng 5/2021, FPT University HCMC Cisco Academy đã đi vào hoạt động”, anh Hải cho hay.
Đến nay, đã có khoảng 35 lớp học với khoảng hơn 600 sinh viên tham gia vào chương trình đào tạo của FPT University HCMC Cisco Academy. Sau 3 năm triển khai, anh Hải cho hay, chất lượng của sinh viên chuyên ngành được nâng cao so với trước đây.
“Kiến thức về mạng máy tính và an toàn thông tin của các bạn vững hơn và thực tế hơn. Đạt được điều này là do sinh viên học và thực hành bằng giáo trình, công nghệ và nền tảng mới từ chương trình Cisco mang lại”, anh Hải nói.
Top 10% giảng viên cao cấp trên toàn cầu của Cisco
Liên tiếp năm 2021 – 2022, anh Mai Hoàng Đỉnh được trao danh hiệu “Expert Level Instructor”. Trong quá trình giảng dạy tại ĐH FPT, anh Đỉnh cho biết, anh đánh giá cao chất lượng đào tạo ngành CNTT của trường so với các trường đại học trong nước và quốc tế. Sinh viên được tiếp cận với những công nghệ mới và tích cực thực hành thông qua các môn học, chương trình liên kết với doanh nghiệp.
“Sinh viên ĐH FPT đạt tối thiểu IELTS 6.0 trước khi vào học chuyên ngành nên khả năng học tài liệu tiếng Anh, tìm hiểu kiến thức mới khá tốt. Khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn của sinh viên IT năng động, tư duy sáng tạo. Vì trong quá trình học, các bạn được mài giũa với các tình huống thực tế”, anh Đỉnh chia sẻ.
Với quan niệm học đi đôi với hành, anh Đỉnh cho rằng, sinh viên cần nghiêm túc trong việc học ở trường và thực tập tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, anh cũng khuyến khích sinh viên tham gia câu lạc bộ và các cuộc thi về an toàn thông tin để tích lũy kiến thức và áp dụng khi “thực chiến”.
Kỹ sư công nghệ thông tin “đem chuông đi đánh xứ người”
Từng có thời gian đầu quân cho Tập đoàn Cisco, anh Nguyễn Văn Vịnh có 4 năm tham gia dự án “100 thành phố thông minh” tại Ấn Độ. Thời gian này, anh có cơ hội cộng tác cùng Đào Trọng Nghĩa – nhân vật nổi danh với giới “whitehat” trong nước và thế giới. Ấn tượng về chuyên môn công nghệ, ngoại ngữ và khả năng làm việc nhóm vượt trội, anh tìm hiểu thì biết đó là cựu sinh viên ĐH FPT. Đây cũng là cơ duyên đưa anh đến với nghề giáo.
“ĐH FPT cho mình môi trường thực hiện đam mê về giảng dạy an toàn thông tin và truyền đạt kinh nghiệm tích lũy từ Cisco và Ấn Độ tới sinh viên. Điều giữ mình ở lại ĐH FPT là sự ủng hộ nhiệt thành từ các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp tới sinh viên khi mình đề xuất đưa chương trình đào tạo quốc tế vào giảng dạy hay tổ chức dự án, cuộc thi”, anh Vịnh cho hay.
Với vai trò kỹ sư công nghệ và giảng viên, anh Vịnh cho rằng, sinh viên phải được thực hành các bài toán thực tế, lồng ghép định hướng ngành nghề để các bạn có kỹ năng vững vàng khi đi làm.
“Hiện tại, sinh viên ĐH FPT được học giống như sinh viên trên toàn cầu nên ra trường có thể làm việc với thu nhập cao”, anh Vịnh chia sẻ.
Theo Dân trí