Vừa qua, lứa sinh viên đầu tiên của ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ đã bước vào đợt bảo vệ khoá luận tốt nghiệp kỳ Summer 2023. Nhiều nhóm trong số này chọn nghiên cứu đề tài về dịch thuật, nhận được những đánh giá đáng khích lệ từ phía Hội đồng chấm tốt nghiệp.
Nguyễn Thị Như Ý – đại diện nhóm đề tài “Dịch sách giáo khoa tiếng Hàn: Địa lý Hàn Quốc” cho biết: “Cuốn sách không chỉ dành cho học sinh trung học phổ thông mà còn là một trong hai môn bắt buộc dành cho người nước ngoài nghiên cứu về Hàn Quốc học, thuộc chuyên ngành địa lý nhân văn và địa lý thông tin được học viên quốc gia Hàn Quốc học chọn.
Đề tài có tính cấp thiết trong việc phát triển kinh tế – xã hội – giáo dục tại Việt Nam. Việc nhìn nhận, đánh giá lại về địa lý tự nhiên và văn hóa, con người Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng việc hợp tác đa phương diện giữa hai nước. Đây cũng là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo chuyên ngành Hàn Quốc học tại nước ta”.
Trong quá trình triển khai, nhóm sinh viên gặp khá nhiều khó khăn khi phải tiếp cận với nhiều thuật ngữ chuyên ngành địa lý trong khi kiến thức còn hạn chế. Các thành viên đã tham khảo ý nghĩa thuật ngữ qua nguồn tài liệu tiếng Hàn, Việt, Hán, Anh; đồng thời tìm thêm. điểm tương đồng về đặc điểm địa lý Hàn Quốc và Việt Nam để chọn từ ngữ dịch đúng, dễ hiểu.
Được biết, Hồ Nguyên Lý, Võ Như Ý, Nguyễn Thị Như Ý, Tuyết Thị Hồng Nhiên, Dương Văn Vũ cũng là nhóm sinh viên đầu tiên của chuyên ngành Ngôn ngữ Hàn quốc tham gia bảo vệ khoá luận. Với tinh thần “tụi mình làm được mà”, cả nhóm đã bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp này của mình.
Công nghệ thông tin hiện đang là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, tạo thành mạng lưới kết nối các quốc gia, trong đó có Việt Nam – Hàn Quốc. Kéo theo đó là yêu cầu về thông dịch viên tiếng Hàn trong lĩnh vực công nghệ, nhưng hiện tại chưa có nhiều nguồn tài liệu để hỗ trợ cho công việc này. Sau khi khảo sát thị trường, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ quyết định thực hiện đề tài “Biên soạn từ điển Hàn – Việt chuyên ngành Công nghệ thông tin”.
Bốn năm học tập trong một môi trường có thế mạnh về ngành công nghệ thông tin như Trường ĐH FPT là lợi thế giúp các thành viên tự tin biên soạn cuốn từ điển gồm 1.152 từ chuyên ngành. Các bạn có cơ hội gặp gỡ, tham khảo ý kiến từ các thầy cô, chuyên gia trong lĩnh vực này cũng như đúc rút kiến thức thực tiễn từ các buổi thông dịch cho các dự án làm phần mềm ngắn của doanh nghiệp, tăng tính chính xác cho sản phẩm của mình.
“Theo khảo sát của nhóm, thị trường công nghệ đang thiếu các loại từ điển Hàn – Việt nên mục tiêu là phổ biến sản phẩm này. Các thành viên đặt mình vào vai trò người dùng để tạo ra nội dung đáp ứng nhu cầu đó. Ngoài thuật ngữ chuyên ngành, nhóm còn đưa vào từ điển các ví dụ và bài tập để người dùng dễ dàng ghi nhớ. Sau buổi bảo vệ, chúng mình mong muốn được hợp tác với các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện và phát triển dự án tốt hơn”, trưởng nhóm Thuý An cho biết.
Nhóm sinh viên Lại Nguyễn Yến Nhi, Ong Hoang Danh, Trần Như Ngọc, Đinh Văn Phương và Lý Ngọc Trân Trân đã cùng nhau dịch văn bản chuyên ngành “Sách văn học Hàn Quốc cho người nước ngoài” để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, học tập và nghiên cứu về văn học và các kiến thức có liên quan đến văn học như văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý… của Hàn Quốc. Từ đó giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo trình, sách hoặc tài liệu chính thống về văn học Hàn Quốc trong việc tham khảo, giảng dạy dành riêng cho người Việt Nam.
Đối tượng tiếp cận tài liệu này là học sinh – sinh viên đang muốn tìm hiểu về văn hoá Hàn Quốc; các du học sinh hoặc người lao động tại quốc gia này. Cuốn sách cũng hướng tới những bạn có định hướng bước vào ngành du lịch bởi nó chứa đựng nhiều kiến thức về di tích, di sản văn hóa, các địa điểm và cả những danh lam thắng cảnh đặc trưng của từng khu vực ở Hàn Quốc, các sự kiện và nhân vật có thật trong lịch sử.
Tuy nhiên, “Văn học Hàn Quốc cho người nước ngoài” là một trong những cuốn sách khó dịch thuật bởi nội dung đề cập tới các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian, thể loại ca dao cổ điển và tiểu thuyết cổ điển. Các thành viên đã cố gắng đảm bảo chính xác tuyệt đối về khía cạnh ngữ nghĩa còn yếu tố nghệ thuật chỉ dừng lại ở mức tương đối do kiến thức và việc lựa chọn ca từ còn hạn hẹp.
Qua quá trình thực hiện và bảo vệ khoá luận tốt nghiệp, các nhóm sinh viên có điều kiện nâng cao hiểu biết và bổ sung kiến thức từ nhiều lĩnh vực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sinh viên được luyện tập và nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm biên dịch ngôn ngữ Hàn trước khi chính thức làm việc tại các doanh nghiệp.