Đề thi và gợi ý đáp án đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023

Sáng ngày 28/6/2023, hơn một triệu thí sinh trong cả nước đã hoàn thành bài thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2023. Trái với mong muốn của nhiều học sinh về tác phẩm Người lái đò sông Đà hay Vợ chồng A Phủ, tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân được chọn làm ngữ liệu cho phần Làm văn.

Cấu trúc đề thi Văn tốt nghiệp THPT được đánh giá quen thuộc, gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn, diễn ra trong 120 phút.

de thi ngu van thpt 2023
Đề thi ngữ Văn THPT năm 2023 lấy tác phẩm “Vợ Nhặt” làm ngữ liệu chính cho phần Làm Văn

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được công bố vào 8h ngày 18/7. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 20/7. Muộn nhất ngày 22/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp là 98,57%.

Sau đây là gợi ý đáp án đề thi Văn tốt nghiệp THPT do Tuyensinh247 thực hiện:

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Thể thơ: tự do.

Câu 2

Từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè: sấm gõ, bầu trời thật thấp, gió, thổi, cát bay, lá bay, đá bay.

Câu 3

– Biện pháp tu từ so sánh thể hiện rõ trong câu thơ “Mưa ròng ròng – triệu ngón tay …/ Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”

– Tác dụng biện pháp so sánh:

Giúp hình ảnh, hiện tượng thiên nhiên (mưa) trở nên sinh động, giúp người đọc dễ dàng hình dung được cơn mưa đầu hạ.

Qua hình ảnh so sánh tác giả nhấn mạnh, làm nổi bật hiện tượng tự nhiên của đất trời trong một cơn giông tố, những giọt mưa mạnh mẽ trút xuống cho con người nhiều trải nghiệm, được sống trọn trong cơn giông.

Giúp cho lời thơ, đoạn thơ trở nên bay bổng và cuốn hút hơn.

Câu 4

Học sinh nêu quan điểm cá nhân về bài học mình rút ra.

Gợi ý:

– Cuộc sống luôn cần những thử thách, gian nan để con người trở nên mạnh mẽ hơn.

– Trước mỗi khó khăn, cần bình tĩnh nhìn nhận để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.

– Để sống có ý nghĩa cần phải biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống.

– Mỗi con người cần phải nuôi dưỡng trong trái tim mình một tình yêu đối với thiên nhiên, quê hương, đất nước.

II. LÀM VĂN

Câu 1

1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống

2. Thân đoạn

a. Giải thích:

– Cảm xúc: là tình cảm nảy sinh do có sự rung động trong lòng.

– Cân bằng cảm xúc: là khả năng điều chỉnh, quản lý cảm xúc một cách hợp lý sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu.

=> Cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là điều cần thiết với mỗi cá nhân.

b. Bàn luận

– Luận điểm 1: Tại sao chúng ta cần biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống?

+ Nếu để cảm xúc chi phối cuộc sống, sẽ dễ bị mất tự chủ, mất lý trí, làm những việc không suy nghĩ kỹ, gây hậu quả xấu cho bản thân và người khác.

+ Nếu biết cân bằng cảm xúc, chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, duy trì một tâm trạng tốt, tạo ra những quan hệ tốt với người khác.

+ Cân bằng cảm xúc là một kỹ năng sống quan trọng, giúp chúng ta có được sự an toàn, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống

– Luận điểm 2: Tầm quan trọng của cân bằng cảm xúc

+ Cân bằng cảm xúc giúp chúng ta chủ động đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống một cách hiệu quả.

+ Việc biết cân bằng các cảm xúc giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn, giải quyết vấn đề và duy trì quan hệ tốt với người khác.

+ Cân bằng cảm xúc giúp chúng ta tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống và phát triển sự tự tin.

=> Ý nghĩa: Giúp chúng ta sống có chủ động và tự tin, có sự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình theo hoàn cảnh và mục tiêu.

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

c. Phản đề

– Nhiều người vẫn sống theo cảm tính, không biết kiểm soát được cảm xúc của mình.

– Lối sống thiếu ý thức, chỉ biết theo đuổi những thứ thoáng qua, không biết tôn trọng giá trị của cuộc sống.

3. Kết đoạn: Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.

Câu 2

I. Mở bài:

– Kim Lân là cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Các sáng tác của ông thiên về chủ đề nông thôn và người nông dân nghèo với ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật tài tình.

– Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân viết trong bối cảnh nạn đói năm 1945. Tác phẩm đã ngợi ca giá trị tinh thần của con người ngay trên bờ vực cái chết.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận của bài viết: Vẻ đẹp tâm hồn người nông dân; cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân.

II. Thân bài:

1. Phân tích đoạn trích

a. Vị trí và bối cảnh đoạn trích.

– Vị trí: Đoạn trích được trích ở phần cuối của tác phẩm, trong bữa cơm đón nàng dâu mới.

– Khái quát bối cảnh đoạn trích: Tràng vốn là một người đàn ông xấu xí, thô kệch lại là dân xóm ngụ cư sống trong nạn đói. Trong một lần đẩy xe bò đã “nhặt” được vợ. Đoạn trích tái hiện lại phản ứng của các nhân vật trước sự việc thu thuế diễn ra sau khi Tràng nhặt vợ.

b. Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, niềm tin vào tương lai và khát vọng đổi đời đáng trân trọng của những con người đang trên bờ vực của cái chết

* Đoạn trích thể hiện niềm tin vào tương lai

– Trong bữa cơm đón nàng dâu mới, sau khi truyền cho các con niềm tin, niềm vui thông qua một loạt những hình dung tích cực về tương lai thì tiếng trống thúc thuế vang lên dồn dập, kéo bà cụ Tứ trở về với hiện thực, niềm vui của bà không thể cất cánh, niềm tin của bà không thể mở rộng; nỗi lo lắng phục sinh vẹn nguyên.

– Thế nhưng ngay sau đó, câu nói của người con dâu mới đã đưa đến thông tin mang tính chất như định hướng để mở ra lối thoát. Người vợ nhặt đã đem đến một niềm tin, niềm hi vọng cho một tương lai mới mẻ.

– Nỗi niềm của bà vơi dần đi qua lời nói của người con dâu về những điều bà chưa từng được nghe, được thấy bao giờ -> ánh sáng le lói cuối đường hầm. Bà đã nhìn thấy lối thoát cho mình, cho gia đình mình và tất cả những người dân khốn cùng như bà.

* Đoạn trích thể hiện khát khao đổi đời của nhân các nhân vật.

Khao khát đổi đời được thể hiện rõ nhất qua suy nghĩ của nhân vật Tràng sau khi nghe người vợ nhặt nói về việc phá kho thóc của Nhật.

– Tràng từ một anh chàng thô kệch, ngờ nghệch đã bắt đầu biết quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội: mạn Thái Nguyên, Bắc Giang không đóng thuế mà còn phá kho thóc Nhật chia cho người đói. Tràng nghĩ ngợi, anh nhớ lại sự kiện những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp, đằng trước là lá cờ đỏ to lắm. Hôm ấy Tràng không hiểu gì nên đã kéo xe thóc đi lối khác. Bây giờ thông qua câu chuyện của người vợ, anh biết được họ phá kho thóc để chia cho người đói. Nghĩ đến đây anh bỗng thấy hối hận.

=> Đây là tín hiệu cho một tương lai tươi sáng. Người đọc tin tưởng Tràng sẽ đi theo Việt Minh, theo cách mạng.

– Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiện lên trong tâm chí Tràng báo hiệu cho một sự giải phóng. Tràng sẽ hòa vào dòng người kia để giải phóng những người dân nghèo cũng như giải phóng chính mình.

c. Đánh giá:

– Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người nông dân:

+ Thủ pháp đối lập tương phản giữa tính cách và hoàn cảnh sống.

+ Với ngôn ngữ mộc mạc mà tinh tế, Kim Lân bộc lộ tài năng xây dựng nhân vật khi họ cùng hoàn cảnh, cùng chung tâm trạng vui sướng hạnh phúc nhưng mỗi người lại có cách biểu lộ cảm xúc riêng.

+ Sự am hiểu tâm lí con người đã giúp ông có được những trang văn chân thực, cảm động.

+ Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, giọng điệu tự nhiên, không cầu kì, đậm phong thái của những con người nơi vùng quê chất phác.

=> Nhà văn Kim Lân không chỉ nói lên sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói khủng khiếp mà quan trọng hơn là đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết vẻ đẹp của con người vẫn luôn tỏa rạng. Trong cái khốn cùng, thiếu thốn, đói nghèo con người vẫn dành cho nhau những tình cảm chân thành và đáng trân trọng nhất: “Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”. (Hoài Việt)

2. Nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân

– Cái nhìn của tác giả là cái nhìn sắc sảo để phơi bày hiện thực xã hội những năm trước cách mạng

– Cái nhìn tiến bộ của thế giới quan cách mạng: hiện thực cuộc sống luôn có sự vận động từ tăm tối, khốc liệt tới ánh sáng, tương lai.

– Cái nhìn giàu tình thương và nhân ái: trân trọng, nâng niu khát khao sống và khát vọng hạnh phúc của người nông dân. Thể hiện niềm tin về khả năng kì diệu của con người khi bị đẩy đến bờ vực, con người không còn là nạn nhân một chiều của hoàn cảnh mà có khả năng cải tạo hoàn cảnh, cách mạng chính là con đường sáng dẫn lối.

III. Kết luận

– Khái quát lại vấn đề.

– Giá trị nội dung, nghệ thuật.

Theo VnExpress, Tuyensinh247

Bài viết liên quan