Điều gì thu hút SV đến với Quản trị khách sạn Đại học FPT?

Chuyên ngành Quản trị khách sạn (Hotel Management) là ngành rất có tiềm năng trong tương lai. Đặc biệt, tại Đại học FPT, sinh viên còn được chú trọng đào tạo ngoại ngữ, được rèn luyện thêm kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp trong xã hội và trong kinh doanh, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia vào các chương trình thực tập, kiến tập tại các khách sạn lớn, khu du lịch lớn… giúp cho các bạn dần làm quen với môi trường thực tế.

Cùng lắng nghe chia sẻ của SV chuyên ngành Quản trị khách sạn Đại học FPT nói gì về câu chuyện của họ tại trường F nhé!

Phạm Hiếu  – SV khoá 15, chuyên ngành Quản trị khách sạn

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường cấp 3, mình đã ước mơ sau này sẽ được làm việc cho các tập đoàn về khách sạn hàng đầu thế giới, đặc biệt là JW Marriott Hà Nội. Và khi biết tới ngành này tại Đại học FPT, mình đã vô cùng hứng thú và mình đã nhanh chóng đăng ký.

Mình biết rằng trường luôn đề cao và tạo đầy đủ cơ sở vật chất để sinh viên có thể học hỏi và phát huy hết sức năng lực của mình trong mọi ngành học. Chuyên ngành Quản trị khách sạn của chúng mình cũng vậy, tuy là ngành mới của trường, nhưng trường đã không ngại khó khăn và chi phí để xây dựng cơ sở vật chất riêng để chúng mình có thể trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tế ngay khi ngồi trên giảng đường. Đây chính là điều mình thấy làm nên sự khác biệt của ngành chúng mình tại FPT so với ngành này tại các trường Đại học khác.

Chúng mình được học tập đi kèm với những kiến thức thực hành vô cùng bổ ích chứ không hề xoay quanh việc chỉ học kiến thức suông. Thực sự đây là việc vô cùng cần thiết đối với ngành Quản trị khách sạn nói riêng và nhóm ngành dịch vụ nói chung.

Phạm Hiếu  hiện là SV khoá 15, chuyên ngành Quản trị khách sạn của ĐH FPT

Ngoài ra cũng phải kể đến việc sắp xếp giáo trình vô cùng hợp lý của nhà trường. Bởi vì đa số giáo trình của chúng mình đều là tiếng Anh nên chúng mình đã được nhà rường dành riêng 1 năm để nâng cao khả năng ngoại ngữ tiếng Anh của mình. Với 2 khung là LUK và TRS thì mình khẳng định khi bước vào chuyên ngành các bạn hoàn toàn tự tin thể hiện khả năng nói tiếng Anh của bản thân với tất cả mọi người. Không chỉ học tiếng Anh,các bạn có cơ hội tiếp xúc với một ngôn ngữ khác, với ngành khách sạn chúng mình thì đó là tiếng Trung. Đó đều là những bước đệm đưa các bạn đến với những công việc mơ ước của chính mình.

Mình có rất nhiều bạn học tại các trường Đại học như: Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Đại học Ngoại Thương hay thậm chí Đại học kinh tế ĐHQG Hà Nội. Mình nghe được những ý kiến rằng đa số các bạn ấy chỉ học nghiêng về lý thuyết và điều này rất dễ gây nhàm chán. Khi mình nhắc đến trường Đại học FPT của mình thì các bạn đều rất khen về việc chúng ta học tập mọi lúc mọi nơi qua nhiều các hoạt động và trải nghiệm gắn với thực tế. Rõ ràng việc học khi được gắn liền với thực tế sẽ giúp cho sinh viên tự tin và có kĩ năng sống thực tế khi ra môi trường công việc sau này.

Về việc có nhiều áp lực hay deadline không thì mình nghĩ bất kì ở đại học nào cũng sẽ vậy. Nói đến Đại học không thể nào thiếu deadline được. Nó như người bạn đồng hành của chúng mình vậy. Vậy nên cách tránh deadline hiệu quả nhất chính là làm quen với nó, tìm cách giải quyết một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bản thân mình hiện tại đang theo kỳ 6 tại trường, cũng đã trải qua việc bị “deadline dí” rất nhiều lần. Mình cũng rút ra bài học rằng đừng bao giờ để “nước đến chân mới nhảy” mà hãy bố trí thời gian sao cho thật hợp lý để hoàn thành deadline.Lúc ý bạn sẽ có các khoảng thời gian để làm những việc khác. Còn về việc áp lực thì tất nhiên ai cũng có nhưng mình tự tinh nói với các bạn rằng tại Đại học FPT bạn luôn có những người bạn giúp bạn phần nào giảm đi điều đó. Mình có những người bạn và một đại gia đình mang tên FGC luôn bên mình, là nơi giúp mình quên đi bao áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống.

Về các thầy cô thì mình nghĩ các thầy cô ở FPT là thứ 2 thì chả ai dám là chủ nhật. Các thầy cô vô cùng vui vẻ và nhiệt tình. Các thầy cô luôn tạo sự gần gũi với chúng mình, không hề có một khoảng cách nào xa xôi. Mình nhớ có những đêm 2 3h sáng thức để hỏi bài thầy cô, các thầy cô vẫn vui vẻ rep. Đã thế các thầy cô còn rất hay trêu sinh viên nữa. Thực sự chúng mình rất yêu quý các thầy cô. Chúng mình hay gọi vui thầy giáo của chúng mình là “Angels Teacher”.

Việc tham gia các CLB cũng rất thú vị đó. Mình nghĩ một khi đã vào FPT thì hãy nên tham gia ít nhất 1 CLB. Bản thân mình cũng đã tham gia khá nhiều các CLB nhưng hiện tại mình đang tập trung cho chức trưởng ban Hậu cần của một trong những CLB “ồn ào” nhất Hòa Lạc này, đó chính là FU Guitar Club – FGC. Khi vào CLB mình cũng đã trưởng thành rất nhiều nhờ sự giúp đỡ của các anh chị và các bạn trong CLB. Đó không chỉ đơn giản là một CLB mà đó còn là một gia đình đối với mình. Và cũng như mình nói, việc học hành chỉ cần các bạn sắp xếp thời gian hợp lý thì các bạn hoàn toàn có thể dành thời gian tham gia các CLB trong trường. An tâm đi, các bạn sẽ không phải nuối tiếc đâu.

Với những gì mình trải qua cho đến hiện tại tại Đại học FPT Hà Nội, mình rất tự tin khi sau này bước ra xã hội và bước vào công việc của mình. Môi trường đại học đã rèn cho mình rất nhiều các kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng quan trọng. Chính điều đó đã và đang là những công cụ để mình hoàn thành ước mơ của mình. Và có một điều mà mình sẽ luôn mang theo bên mình đó chính là chất của con người FPT.

Vũ Phương Thảo – SV khoá 15, Chuyên ngành Quản trị khách sạn

Mình chọn ngành này thật ra cũng không phải quyết định to tát hay phải suy nghĩ nhiều gì cả, vì hồi cấp 3 cũng chưa xác định được muốn thích hay muốn làm gì. Chỉ đơn giản là mình nghe nói làm việc trong ngành du lịch – khách sạn thì được đi, tham quan nhiều nơi nên đăng ký vào thôi.

Mình cảm thấy ngành đối với mình ngày càng hiện ra một cách thực tế và chân thực hơn, mình không còn ngây thơ nghĩ đơn giản là đi nhiều nơi là sướng nữa.

Các thầy cô ở trường rất tâm huyết dẫn dắt bọn mình giải đáp mọi câu hỏi chúng mình thắc mắc

Việc học hành thì không ảnh hưởng đến việc tham gia CLB nhưng việc tham gia CLB  thì có ảnh hưởng đến việc học hành đó. Đối với mình thì rất khó để cân bằng cả hai.

Công việc tương lai thì mình không dám chắc nhưng mà học các bài ngành này thì rất vui, giáo trình thú vị, các thầy cô cũng đều có cách giảng bài của riêng mình nên là dù mai sau có làm trái nghề thì cũng không hối hận khi học ngành khách sạn.

Vũ Phương Thảo hiện là SV khoá 15, Chuyên ngành Quản trị khách sạn ĐH FPT

Ngô Thị Huyền Trang – SV khoá 15, Quản trị khách sạn

Mình nghĩ chắc cũng là cái duyên khiến mình đến với FPT. Vì ý định của mình lúc đầu không phải vào FPT luôn. Việc mình chọn ngành Quản trị khách sạn là cũng có 2 yếu tố: Thứ nhất là ba mẹ mình thích và thấy rằng ngày này nó rất mới và rất có tiềm năng trong mấy năm tới ở trong nước mình. Thứ hai là khóa của mình vào thì ngành này mới và chưa có nhiều sinh viên chọn ngành này. Mình thì lại thích cái gì đó mới, nó thú vị và chắc chắn là sẽ có thử thách nên đã đăng ký và đương nhiên là mình cũng có nghe và suy nghĩ  thêm lời góp ý của ba mẹ giúp mình càng có động lực chọn để đăng ký chuyên ngành Quản trị khách sạn của Đại học FPT.

Theo mình được biết và đang theo học đến kỳ 4 rồi, thì ngành QTKS ở FPT đào tạo rất khác biệt so với các trường khác ở chỗ giáo trình ở FPT đều bằng Tiếng Anh, học kỳ của chúng mình học là vào chuyên ngành hẹp vừa học vừa có kèm thực hành luôn (nhưng tiếc quá đang covid nên chưa được xuống trường nữa). Trường đào tạo ngành này là 3 năm chuyên ngành, năm đầu học ngoại ngữ và các môn kỹ năng mềm. Kèm theo những môn thể chất: võ vovinam, các loại nhạc cụ truyền thống,… mình thấy rất thích thú. Đó là những điểm khác biệt mình thấy.

Ngô Thị Huyền Trang hiện là SV khoá 15, chuyên ngành Quản trị khách sạn của ĐH FPT

Giáo trình chuyên ngành Quản trị khách sạn bằng tiếng Anh có thể nói là cũng khó nhưng bên cạnh đó có rất nhiều điều thú vị khi được học ngành này đó nha. Nó cũng thiên về kỹ năng mềm của mình rất là nhiều.

Về việc tiếng Anh của mình trước khi vào trường cũng còn rất là mơ hồ, mông lung chưa có được sử dụng nhiều nên còn chưa tốt. Nhưng khi được vào FPT chúng mình khởi động năm nhất bằng việc phải học tiếng Anh qua 6 level mới được lên chuyên ngành. Mình nghĩ đó cũng là điều tốt để chúng ta chuẩn bị tiếng Anh để lên chuyên ngành của mình học thật tốt. Và mình cũng đã cải thiện tiếng Anh của bản thân khá nhiều và rõ rệt.

Chuyên ngành này rất khác biệt và vừa học vừa được thực hành nhiều. Ngành Quản trị khách sạn tính đến thời điểm hiện tại thì nhà trường đã đầu tư xây tòa nhà có tên là Delta dành hẳn 1 tầng riêng cho ngành Quản trị khách sạn thực hành. Vì đặc thù của ngành này cũng có nhiều kỹ năng mềm, vừa phải kết hợp việc học và thực hành thì sẽ biết nhanh và nhớ lâu hơn. Trường rất chịu chơi luôn ạ.

Thực ra thì nhiều deadline thì ngành nào cũng sẽ có, ngành mình cũng sẽ vậy. Bởi vì mình còn đang là sinh viên mà, thì deadline nhiều cũng là chuyện cơm bữa mà sinh viên nào cũng phải ăn thôi. Nhiều rồi cũng thành quen thôi bạn nên mình không còn sợ deadline đâu.

Mình thấy giảng viên ở trường hầu như thầy, cô nào cũng rất trẻ và xinh xắn, dễ thương. Nhẹ nhàng, gần gũi với học trò và luôn supports tụi mình trên lớp lắm luôn. Nên việc không biết thì cứ dơ tay hỏi thầy cô sẵn sàng giải đáp luôn.

Mình cảm thấy việc học của mình không quá ảnh hưởng đến việc tham gia CLB. Từ năm nhất mình cũng đã được nghe những anh chị đi trước là nên tích cực tham gia vào ít nhất là 1 câu lạc bộ nào đấy. Và mình cũng đã quyết tâm đăng ký tham gia vào CLB Business của trường. Và mình cũng đã vượt qua những vòng đơn, vòng thử thách mà CLB đặt ra trước khi làm thành viên chính thức. Mình thấy rất là vui đã vượt qua tất cả và được vào với mái nhà Business ạ.

Công việc tương lai của mình nghĩ sẽ có rất nhiều cơ hội khi học xong ngành QTKS. Và việc mình muốn là được làm ở các tập đoàn lớn và dần dần lên Director of Food & Beverage.

Quản trị khách sạn là một khoa được tách từ chuyên ngành đào tạo quản trị kinh doanh tại FPT. Trên nền tảng kiến thức về quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn FPT đi sâu khai thác kiến thức chuyên môn và thực tiễn trong công tác quản lý du lịch. Chi tiết là những kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành các nghiệp vụ cơ bản như: Lễ tân, Buồng, Ăn uống, kỹ năng về các lĩnh vực Quản lý lưu trú, Quản trị nhà hàng, hội nghị, sự kiện… Học viên sẽ nắm được toàn bộ kiến thức vận hành trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn; bên cạnh đó là những biến động, xu hướng của thị trường để giúp doanh nghiệp nâng cao sự thích nghi và phát triển.

Chương trình đào tạo được biên soạn dựa trên những kiến thức đào tạo về Quản trị khách sạn của Thụy sĩ, được thiết kế dựa trên các khung đào tạo về Quản trị khách sạn của Thụy Sĩ và Malaysia.

Bạn đang quan tâm và tìm hiểu về chuyên ngành Quản trị khách sạn, đừng quên bấm đăng ký tại đây để được tư vấn nhé!

 

                                                                                                                              Thao Phan