Hiệu trưởng Đại học FPT: Lãng mạn là một phần tất yếu của thành công

35 tuổi trở thành hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam, nhận một di sản 17.000 sinh viên và học sinh, thách thức lớn nhất của anh biến nó thành một “mega university” (siêu đại học) nhận 100 ngàn sinh viên vào năm 2020.

Anh sẽ hiện thực hoá giấc mơ “siêu đại học” mà Đại học FPT đã đặt ra như thế nào?

Thách thức lớn nhất đối với tôi hiện nay là chính tôi. Phải tự thân vượt những cản trở nhằm nhanh chóng thích ứng và phát triển.Đại học FPT là một trường đại học có nền tảng tốt và bền vững, đó là một thuận lợi cho bất kỳ ai nhận nhiệm vụ này. Bên cạnh đó Đại học FPT còn tập hợp nhiều tài năng, giúp mình biết lắng nghe và tạo điều kiện để mọi cá nhân đều phát triển.

Giữa cơn khủng hoảng đại học tư, làm thế nào Đại học FPT có thể vượt lên?

Nhiều trường đại học tư thục khủng hoảng vì cố vận hành theo các trường công lập từ cơ cấu tổ chức đến nhân sự và cả những điều không nên lặp lại mà đáng ra họ có quyền chủ động. Đại học FPT có được ngày hôm nay là nhờ phương thức quản trị theo đúng nguyên tắc hoạt động của một doanh nghiệp. Luôn sẵn sàng đổi mới, tối ưu hoá nguồn lực và cung cấp đúng những gì thị trường cần. Chính những điều đó đã làm Đại học FPT khác biệt với các đại học công lập khác.

Đại học FPT có số lượng du học sinh khá đông đến từ châu Phi, Bangladesh… và đang chuẩn bị mở phân hiệu ở Lào, Myanmar?

Hiện nay, nếu không vươn ra thế giới thì thế giới cũng sẽ tràn vào nhà anh. Thực tế là Việt Nam mỗi năm tốn khoảng 1,7 tỉ USD cho sinh viên đi du học. Bên cạnh đó hàng trăm chương trình hợp tác cũng đã và đang tràn ngập tại Việt Nam. Đó là xu thế không thể cưỡng lại. Vì vậy, không có cách nào khác là các đại học trong nước cần phải đổi mới và thực hiện quá trình toàn cầu hoá – một quá trình không đơn giản và cần thực hiện theo từng giai đoạn. Bắt đầu từ chương trình – giáo trình quốc tế, bước tiếp theo là giảng viên quốc tế, sau đó là sinh viên quốc tế và bước cuối cùng là xây dựng campus quốc tế. Hiện nay đa phần các trường tiên tiến trên thế giới đã đạt mức thứ ba và nhiều trường đang tiến hành bước thứ tư. Trong khi đó, các trường đại học ở Việt Nam đa phần còn đang bàn luận ở bước phát triển đầu tiên. Có lẽ các trường ở Việt Nam cần liên minh lại để nhanh chóng vượt qua các giai đoạn phát triển này một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Sự cố mà Đại học FPT từng vấp phải khi quá cởi mở trong xây dựng văn hoá đã cho anh bài học quý nào để tạo ra một “luật chơi” đầy cảm hứng cho toàn đội ngũ?

Vẻ đẹp của mọi vấn đề là sự tự nhiên. Người thầy giỏi luôn coi việc giảng dạy là hạnh phúc. Tổ chức hạnh phúc là tổ chức mà mỗi thành viên đều cảm thấy mình có giá trị và đóng góp cho sự phát triển chung. Tôi thường chia sẻ rằng, cuộc sống dài nhất là cuộc sống trong công việc. Vì vậy, hãy làm sao để cuộc sống đó có ý nghĩa nhất. Để mỗi khi đến nơi làm việc, chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Vừa nhận chức anh đã ra quyết định cấm thầy cô không nhận quà của học trò trên 100.000 đồng, yêu cầu 8 điểm của sinh viên gửi tới qua Facebook cũng được anh trả lời đúng một tháng qua Facebook… Cách lãnh đạo đó có gây sốc cho bộ máy?

Muốn làm việc được với nhau trước hết phải trao đổi được với nhau. Do đó, tôi chọn cách đối diện và đối thoại với tất cả các vấn đề. Khi nhận chức hiệu trưởng, tôi chưa biết nhiều về sinh viên Đại học FPT và đa phần sinh viên cũng chưa biết tôi. Chính vì vậy kênh Facebook là kênh trao đổi hiệu quả nhất, giúp hiểu sinh viên hơn.

Với các quyết định dành cho sinh viên, thông thường tôi hay nghiên cứu xem các trường danh tiếng trên thế giới hành xử thế nào? Khi đối sánh với các giá trị đã có của trường Đại học FPT thì sẽ có được những quyết sách đúng đắn. Tôi cho rằng bất kỳ ai cũng sẽ đồng thuận với các giá trị căn bản như minh bạch, trung thực, tự lập, trưởng thành, chuyên nghiệp. Các quyết định tại Đại học FPT cũng căn bản dựa trên những điều như vậy.

Con người khoa học, lãng mạn trong anh có bao giờ mâu thuẫn với con người doanh nhân, nhà giáo dục?

Đa phần những người thành công đều lãng mạn dù là doanh nhân hay nhà giáo, nhà khoa học. Nếu không thì họ khó có thể có được những ý tưởng mới và trở nên thành công. Cho nên không có mâu thuẫn gì giữa một người lãng mạn và những người thành công. Hay nói cách khác, lãng mạn là một phần tất yếu của thành công.

Nhìn lại thời thơ ấu, điều gì làm nên sức mạnh của anh?

Trải nghiệm. Tôi may mắn có tuổi thơ đa dạng, đi chơi nhiều, làm nhiều chứ không học gạo. Khi học đại học, tôi cũng may mắn được tham gia các dự án trong nước và quốc tế. Nhờ đó tôi đã được trải nghiệm làm việc ở khắp nơi tại Việt Nam. Chính những trải nghiệm đó mang lại cho tôi những cảm nhận sâu sắc về cuộc đời. Nhờ đó, đến khi đối mặt khó khăn thì cơ bản tôi hết sức bình thản và biết cách vượt qua.

Sau này khi nghiên cứu về giáo dục, tôi mới biết rằng hoá ra trải nghiệm cũng chính là cách giáo dục tốt nhất.

Lớn lên ở một miền quê Bắc bộ, từng phải làm thêm kiếm tiền đi học từ sớm, lý do gì khiến anh chọn Sài Gòn là nơi gắn bó đời mình?

Đầu năm 2014, gia đình tôi quyết định vào định cư tại TP.HCM. Động lực lớn nhất lúc đó với tôi là tôi thấy mình quá trì trệ và không đổi mới. Những lúc như vậy tôi cảm thấy thất vọng với chính bản thân mình. Tôi cũng tin vào việc thay đổi cuộc sống thường xuyên là cách tạo động lực cho bản thân. Và đó cũng là môi trường giáo dục trải nghiệm tốt nhất mà tôi muốn dành cho các con.

Thất bại nào lớn nhất đã giúp anh trở nên mạnh mẽ?

Thất bại đến với tôi thường xuyên đến mức tôi gần như không còn cảm nhận về nó nữa. Đó chỉ là những khó khăn cần vượt qua. Phương châm của tôi là mỗi sáng dậy hãy nuốt con ếch (sự khó khăn) của bạn, và tương lai sẽ tươi sáng. Hãy đối mặt với vấn đề ngay từ khi mới phát sinh thì sẽ ít thất bại. Thành công thường là hệ quả của sự miệt mài và đam mê trong công việc hơn là sự tính toán.

Theo thegioitiepthi