Được nghỉ cả tháng vì dịch corona, Lê Anh Thư (lớp 12, trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) lo không kịp tích lũy đủ kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia.
Sáng chủ nhật, Thư không phải dậy từ 5h để bắt chuyến xe sớm lên Hà Nội cho kịp lớp học vẽ bắt đầu lúc 8h. Thay vào đó, em vẽ tại nhà theo bài tập được giao, sau đó chụp và gửi lên nhóm lớp.
Lớp vẽ của Thư có 40 người, chủ yếu là học sinh lớp 12 để thi vào ngành Thiết kế. Từ khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam thông báo nghỉ học vì dịch Covid-19, lớp vẽ cũng chuyển sang học online.
“Là lớp nghệ thuật tự do, lớp không đóng cửa hẳn mà bạn nào đến thì các thầy cô vẫn dạy. Những bạn ở xa như em thì vẽ và gửi bài tập lên nhóm”, Thư kể.
Nhưng học vẽ ở nhà và nghe nhận xét qua mạng không thể như học tại lớp. Chưa kể học trực tuyến chỉ hai buổi một tuần, ít hơn so với học sinh tại Hà Nội. Quá sốt ruột, Thư mang giấy, màu vẽ bắt xe khách lên thủ đô để kịp học ca chiều. Từ 40 học sinh, lớp vẽ giờ chỉ còn 7-8 bạn, tất cả đều mang khẩu trang.
Ngoài nỗi lo về môn thi năng khiếu, việc nghỉ học tại trường THPT suốt tháng 2 cũng khiến Anh Thư không yên tâm. “Đầu tháng 2, lần đầu được báo nghỉ học, em rất vui do vẫn còn dư âm Tết. Nhưng đến khi nghỉ tuần thứ hai, tiếp đó là nghỉ cả tháng thì em thật sự lo”, Thư nói.
Nữ sinh 18 tuổi tự nhận kém Toán, chỉ đạt 5 điểm. Giống học chính khóa, các lớp học thêm cũng nghỉ hết tháng 2 nên Thư chỉ còn cách tự ôn. “Nhưng dù chăm chỉ tự ôn, em vẫn không thể làm được bài khó. Em sợ thời gian nghỉ học dài khiến mình quên kiến thức, khi đi học phải làm quen lại từ đầu”, Thư nói.
Trường hợp học sinh Hà Nam tiếp tục nghỉ vì dịch, Thư và một số bạn trong lớp dự định tổ chức học nhóm 2-4 người để giúp đỡ nhau học và có thể chữa bài cho nhau. “Chúng em đều mong hết dịch để được đi học trở lại”, nữ sinh nói.
Cùng là học sinh 12, Nguyễn Bảo Anh (lớp 12 trường THPT Tam Hiệp, Đồng Nai) chung nỗi lo vì kỳ nghỉ tránh dịch kéo dài hết tháng 2. Với nguyện vọng vào ngành Quản trị du lịch, nhà hàng và khách sạn, suốt hai tuần qua, em đều ôn bài các môn Toán, Tiếng Anh và Văn.
Sáng 17/2, thay vì ôn bài theo đề cương thầy cô giao, Bảo Anh mở tivi xem chương trình dạy học do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai sản xuất. Nội dung ôn tập lớp 12 hôm nay là thì hiện tại và quá khứ tiếng Anh. Nữ sinh vừa xem, vừa ghi chép một số điểm lưu ý.
Theo em, phần ôn tập trên truyền hình thiết thực nhưng đa số là củng cố bài cũ. Học trực tuyến qua Facebook hay học qua truyền hình chỉ là tạm thời, hiệu quả chỉ bằng một nửa trên lớp. Bởi học sinh không tương tác với thầy cô, không được “sống” trong không gian học tập nghiêm túc trên lớp.
Bảo Anh chia sẻ được nghỉ học ai cũng thích, nhưng phải đã hoàn thành chương trình học, thi cử xong, còn đây là nghỉ phòng chống dịch, chương trình học vẫn dang dở. Liên tục cập nhật tình hình dịch ở cả Trung Quốc và Việt Nam, nữ sinh hy vọng nhận được tin tốt lành, dịch sớm chấm dứt để được đi học trở lại.
“Điều em lo nhất lúc này là nếu tiếp tục nghỉ kéo dài, không biết năm học có bị rút ngắn lại không, trường có dạy đủ kiến thức để chúng em đi thi THPT quốc gia hay không. Chúng em học năm cuối cấp nên chậm trễ vài tháng rất ảnh hưởng tới tương lai”, Bảo Anh nói.
Anh Thư và Bảo Anh cũng giống như gần 900.000 học sinh lớp 12 cả nước đang lo lắng cho kỳ thi THPT quốc gia, kỳ vượt vũ môn cuối cùng trong đời học sinh, quyết định tương lai nghề nghiệp của mỗi người. Năm ngoái, kỳ thi diễn ra ngày 25-27/6, nhưng năm nay rất có thể phải lùi lại bởi dịch corona.
Hiện 63 địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ phòng dịch, trong đó 8 địa phương cho nghỉ thêm một tuần đến 23/2, 55 tỉnh thành cho nghỉ hết tháng 2. Trước đó các em đã nghỉ 7-16 ngày dịp Tết Canh Tý. Đây là lần đầu tiên 22 triệu học sinh cả nước nghỉ học kéo dài.
- Vẫn ráo riết chọn trường trong mùa dịch Corona
- Thời gian nghỉ phòng trách dịch Covid-19 giúp 2k2 nhận ra điều gì?
Theo VNE