Đỗ Đức Thiện (32 tuổi, Nam Định) cho biết, môi trường làm việc tại Malaysia khá dễ chịu, trong khi tại Singapore nhiều áp lực; ở Mỹ yêu cầu cao, bù lại thu nhập xứng đáng.
Thiện – cựu sinh viên Trường ĐH FPT chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm hiện đầu quân cho công ty công nghệ toàn cầu FPT Software. Anh là quản lý dự án lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho khách hàng tại Mỹ, với đội ngũ trên dưới 100 người nhiều kinh nghiệm và giỏi chuyên môn. Trước đó, anh từng làm việc tại các quốc gia như Malaysia, Singapore… và đều giữ vị trí quan trọng, cùng mức thu nhập cao.
Chia sẻ trải nghiệm làm việc tại nhiều nước trên thế giới, chàng kỹ sư Việt cho biết, ngay khi tốt nghiệp đại học, anh làm việc cho một công ty của Singapore và có khoảng thời gian sinh sống tại đảo quốc sư tử. Khách hàng tại đây làm việc chuyên nghiệp, song môi trường làm việc áp lực, chi phí sinh hoạt cao. Ngoài ra, một phần vì văn hóa công ty và công nghệ không phù hợp, anh đã chọn hướng đi khác.
Với quan điểm sống “Do the best, the rest will come” (tạm dịch: hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến), Thiện luôn đặt mục tiêu cao nhất trong công việc, cùng mong muốn được khám phá nhiều hơn nữa các quốc gia khác trên thế giới. Chàng trai 9x chọn điểm đến tiếp theo là FPT Software vì đây là công ty công nghệ toàn cầu, lại đúng lúc công ty đang tìm vị trí trưởng nhóm cho một dự án tại Malaysia, nên anh ứng tuyển và thành công.
“Đặt chân tới thủ đô Kuala Lumpur, tôi bất ngờ vì không nghĩ nơi này phát triển đến thế”, Thiện nói. “Tôi làm ở khu vực trung tâm nên mọi thứ khá tốt, từ chất lượng sống đến phương tiện đi lại, văn phòng hiện đại, đồng nghiệp thân thiện”. Khách hàng dễ tính hơn trong khi chất lượng sống so với thu nhập khá tốt, tất cả những yếu tố trên đã níu chân chàng trai Nam Định gắn bó với Malaysia hơn 5 năm – đến tận giữa năm ngoái, khi anh nhận được cơ hội mới tại Mỹ.
Gắn bó với Mỹ hơn 10 tháng, Thiện nhận định, xứ sở cờ hoa là thị trường khó tính và chuyên nghiệp. Khách hàng tại đây có nhiều yêu cầu khắt khe, bù lại thu nhập xứng đáng. “Tùy vị trí, kinh nghiệm, thành phố làm việc, một kỹ sư IT có thể nhận mức thu nhập hàng năm từ 80.000 USD đến 200.000 USD”, Thiện tiết lộ.
Văn hóa của Mỹ cũng khác nhiều so với các nước châu Á. Theo chàng trai gốc Nam Định, nếu như đồng nghiệp châu Á hòa đồng, thân thiện, thì người Mỹ dễ “say hello” nhưng thực chất khó gần. “Với người Mỹ, các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống hoàn toàn tách biệt, nên không dễ để có thể trò chuyện, tâm sự cởi mở”, anh nói.
Thiện nhận định, IT là lĩnh vực có tính toàn cầu hóa cao, nên dù ở Việt Nam cũng có thể làm với khách hàng nước ngoài. Chàng trai 9x nhận thấy có một vài khác biệt nhỏ như kỹ năng chuyên môn ở Mỹ đòi hỏi cao, sự chủ động, đặc biệt cần nắm bắt công nghệ mới, hiệu suất làm việc cao, mức độ đào thải khắc nghiệt nếu không làm tốt.
Dù mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau cùng những yêu cầu nghiêm ngặt nhưng với nền tảng vững chắc được trang bị từ thời đại học, Thiện khẳng định bản thân gần như không gặp khó khăn gì trong quá trình hòa nhập.
Cựu sinh viên Trường ĐH FPT cho biết, anh tốt nghiệp cấp III năm 2009 và trúng tuyển Trường ĐH Ngoại Thương với điểm số cao, nhưng quyết định chọn Trường ĐH FPT vì đam mê công nghệ, lại nhận được học bổng toàn phần. Quá trình tìm hiểu kỹ về trường càng củng cố quyết định của Thiện khi anh thấy đây đúng là môi trường học tập “trong mơ”, với giáo trình tiếng Anh, phòng học trang bị điều hòa, wifi, các câu lạc bộ và chương trình ngoại khóa thú vị, chương trình thực tập doanh nghiệp OJT (on the job training) thực tế tăng cao cơ hội việc làm sau tốt nghiệp…
“Quãng thời gian 4 năm sinh viên đã giúp tôi trau dồi kiến thức ngoại ngữ, chuẩn bị tốt các kỹ năng cần có của một công dân toàn cầu. Đặc biệt, nơi đây đã ‘biến’ tôi từ con người hướng nội trở nên cởi mở, tự tin trước đám đông và sẵn sàng trước mọi thử thách”, Đỗ Đức Thiện chia sẻ thêm.
Trường ĐH FPT trang bị cho các sinh viên kỹ năng của công dân toàn cầu, bao gồm kỹ năng quản lý, giao tiếp, kỹ năng phản biện, quản lý thời gian, làm việc nhóm… Trong đó anh cho biết, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề đều được anh áp dụng triệt để. “Khi cấp dưới tranh luận, tôi thường để họ tự giải quyết. Nếu giải quyết không được, tôi sẽ tham gia bằng việc lắng nghe từ các bên, tìm nguyên nhân khúc mắc, duy trì tính trung lập, giải quyết theo hướng xây dựng và hợp tác, hướng vào mục tiêu chung, và thể hiện sự quyết đoán khi cần”, vị quản lý chia sẻ kinh nghiệm.
Được tham gia các dự án thực tế ngay khi đang ngồi trên ghế giảng đường cũng là điểm khác biệt được Thiện đánh giá cao khi học tập tại trường. Kinh nghiệm thực tiễn giúp anh luôn trong tâm thế sẵn sàng cho môi trường làm việc quốc tế. “Lợi thế lớn này đã giúp tôi đi nhanh hơn so với nhiều bạn bè cùng lứa ở các trường khác”, Thiện nhận định.
Để dễ dàng hòa nhập với người bản địa các quốc gia khác, Thiện cho hay, tiếng Anh là yêu cầu đầu tiên, bên cạnh đó là vốn hiểu biết về văn hóa bản xứ, cùng các kỹ năng của một công dân toàn cầu. Ngoài ra, bạn nên chủ động tham gia các sự kiện, hội nhóm của người Việt và người bản địa.
“IT Việt Nam hội nhập với thế giới tương đối tốt. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất là ngoại ngữ, thứ hai là thái độ làm việc cần chuyên nghiệp hơn”, Thiện nói và nhấn mạnh ngành IT vẫn đang rất tiềm năng cho các bạn trẻ, với các xu hướng công nghệ mới như AI, big data, điện toán đám mây, IoT. Chỉ cần trang bị thêm ngoại ngữ và các kỹ năng toàn cầu, các bạn trẻ hoàn toàn có thể bứt phá và tiến xa.
Theo VnExpress