Đề thi “kiểu Mỹ”
Hằng năm, trường Đại học FPT đều tổ chức 2 kỳ sơ tuyển. Tham gia kỳ sơ tuyển này, thí sinh cần vượt qua 2 bài kiểm tra năng lực gồm bài kiểm tra toán logic trắc nghiệm và văn nghị luận xã hội. Bài kiểm tra toán logic hình thức trắc nghiệm nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học thí sinh đăng ký dự thi. Các câu hỏi trong bài được xây dựng theo dạng đề GMAT, GRE và LSAT của Mỹ. Tổng cộng có 90 câu trắc nghiệm làm trong 120 phút. Số điểm cao nhất mà thí sinh có thể nhận được là 90.
Theo đánh giá của các cựu thí sinh, nội dung câu hỏi không quá phức tạp và không mang tính đánh đố hay bắt học thuộc lòng các kiến thức bậc phổ thông trung học. Tuy nhiên, dạng đề này lại khá lạ trong cách đưa dữ liệu và đặt câu hỏi. Do đó, nếu thí sinh chưa được chuẩn bị trước thì sẽ khá bối rối khi bắt tay vào làm. Để làm quen với dạng đề này, thí sinh có thể tải tại đây về làm thử. Cũng nhờ kiểm ra đề “độc lạ” này mà thí sinh dự sơ tuyển tại ĐH FPT chỉ cần ôn luyện tại nhà chứ không cần đến các “lò” ôn luyện, cũng không thể cố nhồi nhét kiến thức trước khi đi thi.
Bài kiểm tra thứ 2 là bài dạng văn nghị luận xã hội, được ra đề nhằm đánh giá năng lực nghị luận của thí sinh thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với thí sinh.
Thí sinh đã từng kinh qua các mùa ứng tuyển vào trường Đại học FPT thường có ấn tượng sâu sắc với đề nghị luận của trường bởi sự kết hợp giữa yếu tố gần gũi và sự thú vị, ý nghĩa sâu sắc mà nó đem lại. Ví dụ đề thi tháng 8/2007 của trường là “… Nhặt chi con ốc vàng/ Sóng xô vào tận bãi/ Những cái gì dễ dãi/ Có bao giờ bền lâu…” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Liệu có phải chúng ta chỉ trân trọng những gì đạt được khi phải vượt qua bao khó khăn gian khổ mà coi nhẹ những gì ta dễ dàng có được? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này”.
Thời gian làm bài kiểm tra thứ 2 là 60 phút với tổng điểm 15.
Như vậy, mức điểm cao nhất một thí sinh có thể đạt được qua 2 bài kiểm tra năng lực là 105 điểm.
Miễn thi cho thí sinh đạt điểm thi đại học trên 21
Năm nay, có 8 trường hợp thí sinh được miễn thi sơ tuyển của Đại học FPT là: 1. Thuộc diện được tuyển thẳng theo Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ đại học chính quy của Bộ GD – ĐT; 2. Tổng điểm 3 môn đạt 21 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại trường ĐH FPT; 3. Tổng điểm 3 môn (mỗi môn tính trung bình hai học kỳ cuối THPT) đạt 21 điểm trở lên, xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại trường ĐH FPT; 4. Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS (Học thuật) từ 6.0 hoặc quy đổi tương đương với thí sinh đăng ký ngành Ngôn ngữ Anh; 5. Có chứng chỉ tiếng Nhật JLPT từ N3 trở lên với thí sinh đăng ký ngành Ngôn ngữ Nhật; 6. Tốt nghiệp Chương trình APTECH HDSE (áp dụng đối với khối ngành Máy tính & CNTT); 7. Tốt nghiệp Chương trình ARENA ADIM (áp dụng đối với chuyên ngành Thiết kế đồ họa); 8. Đã tốt nghiệp đại học.
Các tổ hợp môn xét tuyển của trường gồm có: D01, A00, A01, D96 (với thí sinh đăng ký ngành Quản trị kinh doanh và khối ngành Ngôn ngữ); D01, A00, A01, D90 (với thí sinh đăng ký ngành Công nghệ thông tin).
Đáng chú ý, năm nay, trường ĐH FPT tuyển sinh thêm các chuyên ngành mới là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Digital Marketing. Đây đều là những ngành “hot” với mức thu nhập cao, đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội việc làm rộng mở với sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, năm 2019, trường Đại học FPT dành 3 điểm ưu tiên cho thí sinh khi xét tuyển vào trường, nếu đăng ký trường ĐH FPT là 1 trong 3 nguyện vọng đầu tiên trong kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1.
Theo SVVN