Loạt đề tài “vượt qua giới hạn bản thân” của SV Truyền thông đa phương tiện

Sinh viên chuyên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện (ĐH FPT Hà Nội) liên tục gặt hái thành công tại các cuộc thi nghiên cứu. Một trong những bí quyết của sinh viên ngành này là các bạn được học môn Phương pháp Nghiên cứu trong truyền thông (RMC201). 

Dấn thân vào những vấn đề thời cuộc

“Các doanh nghiệp tại Việt Nam ứng dụng thông điệp yêu nước vào các chiến dịch truyền thông mạng xã hội (MXH) trong thời gian qua” là nghiên cứu được tiến hành khảo sát trên 100 người, phỏng vấn sâu 10 cá nhân và phân tích 5 chiến dịch truyền thông có sử dụng yếu tố yêu nước trong thông điệp truyền thông của mình, đó là “40 năm vươn cao Việt Nam” của Vinamilk, Biti’s Hunter Bloomin’ Central – Cảm hứng tự hào từ miền Trung – Hoa trong đá, Bphone – Made in VietNam, Chiến dịch Tết Trung thu “The Tale of Cuội” của chuỗi cửa hàng The Coffee House…

truyen thong da phuong tien 1
Nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội tiến hành nghiên cứu trong khuôn khổ môn học RMC201

Kết quả cho thấy, yếu tố yêu nước có thể tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ nhưng cũng dễ dàng gây hiệu ứng ngược; lịch sử, thị trường, sản phẩm, đối tượng khách hàng cần được doanh nghiệp chú ý khi xây dựng chiến dịch; công chúng trên mạng xã hội luôn đòi hỏi sự đầu tư về nội dung và cách thức truyền tải sáng tạo.

Đa số TVC quảng cáo gần đây của Việt Nam thường sử dụng hình ảnh những người mẫu có ngoại hình chuẩn từng milimet. Trăn trở về “Các tiêu chuẩn ngoại hình trong các TVC quảng cáo có thể gây ảnh hưởng tới quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân của nữ giới thành thị”, nhóm các sinh viên Bùi Thu Thủy, Nghĩa Dương, Thu Hiền, Tiến Đạt và Duy Đức đã nghiên cứu các yếu tố định tính và định lượng liên quan đến nội dung, ký hiệu học và tư tưởng học trong các quảng cáo của Việt Nam.

Trưởng nhóm Bùi Thu Thủy nhấn mạnh: “Quảng cáo là một trong các hình thức truyền thông có sức tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đặc biệt là tiêu chuẩn về bề ngoài và quan niệm về xu hướng cái đẹp. Việc sử dụng hình ảnh đã chỉnh sửa và không thực tế có thể tạo áp lực lên phụ nữ thành thị trong việc phải nỗ lực để tuân theo những tiêu chuẩn này”.

Cũng theo đó, quảng cáo truyền hình hiện nay chưa đáp ứng được việc thể hiện các vẻ đẹp đa dạng của phụ nữ. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và ngành quảng cáo hoạt động mờ nhạt trong việc định hướng và thúc đẩy các yếu tố tích cực liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, công chúng lại thích tuân theo khuôn mẫu có sẵn, đặc biệt là khuôn mẫu từ các TVC.

truyen thong da phuong tien 2
Quá trình nghiên cứu nhằm đối chiếu và tìm ra các điểm mới so với những nghiên cứu trước năm 2020

Với đề tài “Hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân của giới trẻ Việt Nam trên TikTok”, nhóm sinh viên thấy rằng “đổ lỗi cho nạn nhân” là hiện tượng đáng báo động, tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của người bị đổ lỗi.

“Đổ lỗi cho nạn nhân” có thể là các video quay lén, các bình luận tiêu cực như “Bị thế là đáng” đi cùng những biểu tượng mặt cười mà người bình luận cho rằng đó là hài hước; hay thậm chí là những video duet đặt tiêu đề có những từ ngữ dễ đóng khung tâm lí người xem như “phản cảm”, “hớ hênh”. Đối tượng thường xuyên bị đổ lỗi là nữ giới hoặc người thuộc cộng động LGBT+ vì đây được xem là “những người yếu thế” trong xã hội.

Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đổ lỗi có thể kể tới như: định kiến giới, định kiến xã hội, sự khác biệt về quan điểm, môi trường sống. Dưới góc độ tâm lý, điều này có thể xuất phát từ hiệu ứng đám đông, chưa hiểu rõ vấn đề và “tâm lý đổ lỗi” của mỗi người. Nghiên cứu cũng cho thấy các bình luận tiêu cực có thể khiến nạn nhân thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tiêu cực, từ đó dễ dẫn đến việc họ có tâm lý muốn trả thù và đối xử với người khác giống như cách mà họ từng bị đổ lỗi.

Đây là một trong những bài nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này tập trung trên nền tảng TikTok, có giá trị độc đáo và duy nhất ở thời điểm hiện tại trong việc phân tích, đánh giá và hiểu được cách thức mà những người bị tấn công, xâm hại tình dục bị đổ lỗi. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ được coi là hiện tượng mạng chứ không được xem là một vấn nạn của xã hội. Việc thay đổi cách nhìn nhận sẽ giúp chúng ta đưa ra những giải pháp và hướng đi phù hợp để giảm thiểu cũng như ngăn chặn hiện tượng “Đổ lỗi cho nạn nhân” của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng TikTok.

Đi sâu phân tích các hiện tượng trong giới trẻ

“Tác động của lòng tự trọng và 5 yếu tố tính cách lớn của con người lên xu hướng chơi trò chơi điện tử của giới trẻ” là nghiên cứu bằng phương pháp thực nghiệm của nhóm Phèncy. Nhóm tiến hành thực nghiệm và phỏng vấn với 10 mẫu người tham gia 5 thể loại game là: Multiplayer Online Battle Arena, Casual game, Shooting games, Augmented Reality, Role Playing games, nghiên cứu đã đưa ra các giả định và đi tới kết luận.

Kết quả cho thấy, các nhà phát triển trò chơi nên thêm nhiều yếu tố cạnh tranh, đa dạng hóa cốt chuyện và cơ chế trò chơi để thu hút người chơi có lòng tự trọng cao; thiết kế trò chơi nhiều người chơi hoặc theo nhóm để thúc đẩy tương tác xã hội. Các tổ chức giáo dục nên tăng cường giáo dục về tác động của trò chơi điện tử và tích hợp trò chơi vào chương trình học để tạo sự hứng thú và học tập hiệu quả. Bên cạnh đó, gia đình cần tạo môi trường giao tiếp cởi mở, khuyến khích trải nghiệm các thể loại trò chơi tương tác và thiết lập quy tắc hợp lý cho việc chơi game của con cái. Đặc biệt, bản thân người chơi nên lựa chọn trò chơi phù hợp với tính cách và lòng tự trọng của mình, quản lý thời gian chơi và cân nhắc tác động của trò chơi đối với cuộc sống hàng ngày.

“Xu hướng video ngắn tác động lên mức độ kiên nhẫn của giới trẻ” như thế nào là một nghiên cứu đáng chú ý khác của sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện. Giờ đây, giới trẻ chỉ cần xem video ngắn là đã có thể nắm được thông tin một cách nhanh chóng, chẳng hạn thay vì dành 1-2 giờ đồng hồ để xem phim thì họ chọn video tóm tắt nội dung của toàn bộ tập phim đó chỉ trong 3-4 phút.

Với những đặc điểm như thời lượng ngắn, nội dung đi thẳng vào trọng tâm, tốc độ nhanh, thuật toán thông mình… có thể gây nghiện và có tác động tiềm ẩn với mức độ kiên nhẫn của người dùng. Nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa nghiện video ngắn và mức độ kiên nhẫn của sinh viên Việt Nam, đồng thời mở ra các khía cạnh quan trọng liên quan đến tâm lý con người, sự tương tác với công nghệ truyền thông, và cảnh báo tới cộng đồng về nguy cơ của việc sử dụng không kiểm soát các ứng dụng video ngắn. Từ đó, đề xuất một vài giải pháp để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của nghiện video ngắn và thúc đẩy môi trường kỹ thuật số lành mạnh, giúp mỗi người có thể sống hạnh phúc trong thời đại số hóa.

Như vậy, chỉ trong khuôn khổ môn học Phương pháp nghiên cứu trong truyền thông, đã có hàng loạt đề tài đáng chú ý và có tính ứng dụng cao. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt của ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện tại Đại học FPT, đó là giúp sinh viên vừa có tư duy chiến lược, vừa có khả năng nghiên cứu, đồng thời sở hữu khả năng thực chiến và năng lực sáng tạo cao.

Theo Bộ môn Quản trị Truyền thông Đa phương tiện – Đại học FPT Hà Nội

Bài viết liên quan