Là một ngành nghề giàu triển vọng trong thời đại công nghiệp 4.0, Công nghệ thông tin đã và đang trở thành từ khóa “hot” thu hút các bạn trẻ tìm hiểu và đăng ký thi tuyển.
Thu nhập cao, nhu cầu lớn
So với thời kì trước, xu hướng chọn nghề nghiệp của học sinh ngày càng thực tế và thông minh hơn. Một trong những câu hỏi được quan tâm nhất trong các chương trình hướng nghiệp, đó là: thu nhập của nghề là bao nhiêu?, cơ hội việc làm có lớn không?…
Công nghệ thông tin (hay gọi tắt là IT) là một trong những ngành nghề “hot” hiện nay bởi cùng lúc nó đáp ứng được nhiều tiêu chí: thu nhập cao, nhu cầu của thị trường nhân lực luôn rộng mở, có nhiều cơ hội thăng tiến hay nâng cao trình độ, đa dạng hình thức làm việc (freelancer/full-time/part-time…). IT xứng đáng là lựa chọn số 1 của các thí sinh trong những mùa tuyển sinh gần đây.
Theo thống kê từ website topITworks, đối với các lập trình viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, mức lương các bạn nhận được sẽ dao động trong khoảng 5-8 triệu/tháng. Có kinh nghiệm từ 3 – 5 năm, thu nhập có thể tăng lên 15 – 20 triệu/tháng và sau 5 -7 năm, trung bình khoảng 20-30 triệu/tháng. Trên 7 năm, con số này dao động khá nhiều, và tuỳ vào tố chất và năng lực phát triển các hướng lâu dài của mỗi lập trình viên.
Nhưng dù là phát triển theo hướng nào, cũng có thể thấy mức thu nhập của ngành IT là tương đối cao so với mặt bằng chung. Sinh viên IT cũng hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian gia tăng thu nhập bằng cách chủ động đi thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi ra trường, với vốn kĩ năng có sẵn, sinh viên hoàn toàn có thể nhận ngay mức lương 8 – 15 triệu đồng từ tháng làm việc đầu tiên.
Dù các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao cho các ứng viên có khả năng, nhưng thị trường lao động ngành IT vẫn đang “khát” nhân lực trầm trọng. Báo cáo của trang web tìm việc làm Vietnamworks cho thấy: nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin đang ở mức cao nhất trong lịch sử tới gần 15 ngàn công công việc thuộc lĩnh vực này được tuyển dụng và con số này sẽ càng tăng hơn nữa trong những năm tới.
Còn theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020.
Đào tạo nhân lực ngành CNTT: chưa thể đáp ứng!
Nhu cầu nhân lực cao là vậy, nhưng tình hình đào tạo lại chưa đáp ứng được các yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng của thị trường. Hiện trong hơn 400 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có tới 2/3 trường đào tạo chuyên ngành CNTT. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại. Qua đó có thể thấy, mức lương “trong mơ” của ngành CNTT không dành cho tất cả mà chỉ thuộc về những kỹ sư thực sự có khả năng và thái độ làm việc tốt.
Một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về CNTT của cả nước – Đại học FPT có tỉ lệ 96% sinh viên ngành CNTT ra trường là có việc làm ngay, với mức lương khởi điểm khoảng 8,3 triệu đồng/tháng.
Bí quyết của ngôi trường này nằm ở phương pháp đào tạo gắn liền với các dự án thực tế. Sinh viên được tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp từ sớm qua các hoạt động như Company tour (thăm quan doanh nghiệp), những chương trình giới thiệu việc làm… và đặc biệt là kì thực tập tại doanh nghiệp kéo dài 1 học kì vào năm 3 đại học. Sau kì thực tập này, nhiều sinh viên đã được nhận ngay vào làm và có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trang bị đầy đủ khả năng ngoại ngữ ngay từ năm Nhất với trình độ tối thiểu là 6.0 IELTS hay 80 TOEFL iBT. Giáo trình Đại học FPT sử dụng trong giảng dạy được nhập khẩu nguyên bản từ nước ngoài, dựa trên việc tham khảo các tiêu chí, điều kiện của Hiệp hội máy tính (Association for Computing Machinery-ACM), Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA), Chương trình đào tạo của EC-Council, Học viện mạng và phần cứng Jetking (Ấn Độ). Nhờ đó, nơi đây trở thành một trong những địa chỉ đầu tiên đưa các công nghệ tiên tiến như Blockchain, FinTech, Automative, Data Science… vào giảng dạy.
Đáng chú ý, năm nay, Đại học FPT lần đầu tiên mở tuyển sinh 2 chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Đây là 2 lĩnh vực mũi nhọn trong cách mạng công nghệ 4.0, do đó nhu cầu thị trường hứa hẹn sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong nhiều năm tới. Thí sinh quan tâm đến 2 chuyên ngành này, có thể tham khảo tại đây.
Theo Dantri