2 năm học Thạc sĩ tại ĐH Bắc Kinh, điều quý giá nhất với giảng viên Phạm Khánh Huyền là được học và có mối quan hệ với đội ngũ giảng viên, học viên có profile siêu khủng. Những kiến thức chuyên ngành cùng trải nghiệm sống đặc biệt này đã giúp chị có thêm nhiều “vốn liếng” để chia sẻ với sinh viên tại ĐH FPT.
Ngã rẽ đến với Bắc Đại
Học tập tại ĐH Bắc Kinh (Bắc Đại) – ngôi trường nổi danh với những giảng viên hàng đầu cùng sinh viên, học viên “siêu phàm” là quãng thời gian giúp Phạm Khánh Huyền tích luỹ kiến thức, tự tin theo đuổi sự nghiệp giáo dục của mình.
2 năm theo học ở Bắc Đại, chị nhận thấy điều quý giá nhất chính là được học và có mối quan hệ tốt với đội ngũ giảng viên và bạn học “xịn sò”. Các thầy cô đều là Tiến sĩ từ những trường đào tạo Kinh doanh hàng đầu thế giới. Bạn học không chỉ xuất thân trâm anh thế phiệt mà còn có kinh nghiệm làm việc cực “khủng”: người thừa kế việc kinh doanh của gia đình; người lại nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty, tập đoàn đa quốc gia với quy mô lớn.
Chị quan niệm, kinh doanh là lĩnh vực nếu không học hỏi từng phút thì sẽ tụt hậu trong từng giờ nên mục tiêu đặt ra là tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn từ các “học bá” cùng lớp. Chị chủ động học hỏi kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh từ mọi người thông qua những tiết học chung, giờ làm việc nhóm.
“Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới tư duy giảng dạy của mình. Tại ĐH FPT, mình chú trọng truyền tải phương pháp làm chủ tri thức của các trường đại học lớn (không chỉ riêng Bắc Đại) tới sinh viên. Chương trình học ở đâu cũng tương tự nhau nhưng hệ tư duy và cách học, cách áp dụng kiến thức để hiểu bài sâu hơn, ứng dụng tốt hơn thì nên học tập các nền giáo dục tiên tiến”, Khánh Huyền chia sẻ.
Viết tiếp mối duyên với nghề giáo
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống giáo dục nên Khánh Huyền cũng phần nào ảnh hưởng tư tưởng “nhà giáo” từ khi còn bé. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân chuyên chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Wisconsin – Eau Claire (Mỹ), Huyền từng làm thực tập sinh tại một doanh nghiệp tài chính công tại Mỹ.
Trở về Việt Nam, chị từng thử sức với vai trò nhân viên Marketing cho một trung tâm ngoại ngữ. Từ khi gia nhập Tổ chức Giáo dục FPT, chị có cơ hội khám phá bản thân ở các vị trí như Cán bộ Hợp tác Quốc tế (Ban Nghiên cứu Phát triển chương trình), Cán bộ Phát triển kinh doanh và Nghiên cứu thị trường (FPT Edu Global). Cuối cùng, chị lựa chọn “trẻ hoá” bản thân với công việc lên lớp cùng sinh viên.
“Mình may mắn đã được đặt chân tới 7 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Malaysia, Thái, Trung Quốc (đại lục và Đài Loan), Philippines, Singapore, Hàn Quốc và đúc kết được những ví dụ thực tế để xây dựng bài giảng cho sinh viên. Các bạn sẽ nhớ câu chuyện về mô hình kinh doanh hoặc chọn tệp khách hàng mục tiêu khi gắn với một nhân vật cụ thể. Ngoài việc lấy các công ty ví dụ, mình cũng lồng ghép một số kỷ niệm, trải nghiệm thực tế cá nhân với những nhãn hàng, công ty đó để sinh viên vừa được học, vừa được nghe chuyện cuộc đời cô”, Huyền chia sẻ.
Sau một thời gian gắn bó với ĐH FPT, nữ giảng viên đánh giá cao 2 chương trình trải nghiệm: học kỳ nước ngoài, thực tập doanh nghiệp nước ngoài. Chưa có nhiều trường đại học tại Việt Nam đưa yếu tố này vào khung chương trình và đầu tư phát triển mạnh như tại ĐH FPT.
“Cả hai trường đại học mình từng học qua đều đề cao yếu tố quốc tế hoá và trải nghiệm thực tiễn thông qua các chương trình tương tự như ĐH FPT nên mình thấy trải nghiệm sinh viên FPT nhận được rất trọn vẹn. Ngoài ra, cơ sở vật chất hiện đại với các phòng chức năng cho sinh viên chuyên ngành thực hành ngay tại trường cũng là điểm cộng lớn của ĐH FPT”, nữ giảng viên đánh giá.
Sắp tới, giảng viên Khánh Huyền có dự định xin học bổng học lên Tiến sỹ ở một nước châu Âu như Thuỵ Sĩ, Hy Lạp, Ý, Pháp… để được tiếp cận với thêm với nền giáo dục hiện đại cũng như được đặt chân tới các quốc gia mà mình mong muốn.
Theo Tri Thức Trẻ