Sinh viên, giảng viên Trường Đại học FPT Quy Nhơn trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, góp phần lan tỏa nét đẹp âm nhạc truyền thống đến giới trẻ.
Với hình ảnh khăn đóng áo dài, đội ngũ mang tới màn trình diễn kết hợp giữa nét đẹp truyền thống và chất liệu hiện đại. Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với Trường Đại học FPT Quy Nhơn và Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định.
Trước đó, Trường Đại học FPT cũng thực hiện dự án cộng đồng “Đưa bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến trường THPT” nhằm đồng hành cùng các đơn vị trong việc triển khai giảng dạy nhạc cụ dân tộc. Hoạt động nhằm lan tỏa những giá trị truyền thống của Việt Nam đến với thế hệ trẻ.
Cô Vũ Thị Kim Yến – Chủ nhiệm bộ môn Âm nhạc truyền thống tại Trường Đại học FPT chia sẻ, cô luôn khích lệ sinh viên tham gia các sân chơi văn hóa và cảm thấy hạnh phúc khi thấy sự đam mê và nỗ lực của các em với âm nhạc cổ truyền. “Đây là một bước quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của dân tộc”, nữ giảng viên nói thêm.
Hiện nay nhiều trường THPT tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định và Cần Thơ đã đẩy mạnh giới thiệu, biểu diễn. Từ đó, học sinh có thể hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần, đồng thời, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam.
Trường Đại học FPT đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo từ năm 2014. Theo đó, 100% sinh viên học ít nhất một trong các loại nhạc cụ truyền thống như sáo trúc, đàn tỳ ba, đàn nhị, đàn nguyệt, trống… Đây là yếu tố giúp các bạn tự tin hội nhập quốc tế và tạo dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Sinh viên thường xuyên tập nhạc cụ tại các lớp học của Trường Đại học FPT. Song hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trường chú trọng giảng dạy âm nhạc truyền thống với khát khao “mỗi bạn sinh viên Việt Nam bước ra thế giới với tiếng đàn trong tim”.
Các bạn có thể trình diễn trong nhiều chương trình ghi hình. Khi có sinh viên quốc tế đến trường, các bạn sẽ trình bày và hướng dẫn sử dụng nhạc cụ truyền thống. Đây là giờ vừa học vừa chơi, đồng thời, tiếp thu văn hóa dân tộc và thư giãn sau những bài học.
Ngoài lớp học, sinh viên có cơ hội trình diễn ở những sân khấu lớn. “FPT Edu Tích tịch tình tang” là cuộc thi nhạc cụ dân tộc dành cho học sinh, sinh viên toàn Tổ chức Giáo dục FPT. Tham dự cuộc thi, các bạn thể hiện khả năng trình diễn một trong bảy loại nhạc cụ. Bên cạnh đó, mỗi năm, Trường Đại học FPT tổ chức F-Sound, Cung đàn đất nước… để sinh viên dễ dàng tiếp cận và trình diễn âm nhạc truyền thống.
1.350 giảng viên, sinh viên Trường Đại học FPT cũng từng quy tụ trong MV Thiên Âm, một sản phẩm nghệ thuật kết hợp chất truyền thống và hiện đại trong âm nhạc, lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc. MV xác lập kỷ lục Việt Nam về hòa tấu nhạc cụ truyền thống, được ghi hình tại địa điểm có kiến trúc tiêu biểu ở 5 thành phố lớn trên cả nước.
Theo Vnexpress