Trường Đại học FPT

Nhu cầu tuyển IT tăng 4 lần trong thập niên

Các tập đoàn lớn tăng đầu tư công nghệ, nền kinh tế số phát triển và thế mạnh gia công phần mềm giúp ngành IT luôn hút lao động. Báo cáo “Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin” thập niên 2010-2020 của VietnamWorks vừa công bố cho biết, nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin đã tăng gấp 4 lần sau một thập kỷ.

Trong đó, phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng. So nửa đầu và nửa cuối thập kỷ, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư phần mềm đã tăng gần gấp đôi, lương bình quân mà các công ty chi trả cũng tăng với tốc độ tương tự, từ khoảng 700 USD lên 1.400 USD mỗi tháng.

Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nhóm này chủ yếu tập trung các chuyên môn về phần mềm, mobile, web, ERP đi kèm các kỹ năng lập trình ngôn ngữ phổ biến là JAVA, PHP, .NET luôn chiếm tỷ lệ cao. Điều này cho thấy xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam trong thập kỷ qua nằm ở dịch vụ gia công phần mềm.

Một góc Công viên phần mềm Quang Trung tại TP HCM. Ảnh: QTSC.

Giai đoạn này, xu hướng ưu tiên các công nghệ mũi nhọn cũng thể hiện rõ qua từng giai đoạn, nếu nhìn vào mức lương đăng tuyển trung bình cao nhất cho từng vị trí chuyên môn.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2012 là thời kỳ của phát triển ứng dụng trên điện thoại nên mức lương trung bình cao nhất thuộc về kỹ sư lập trình nhúng hệ thống với 3.750 USD mỗi tháng và kỹ sư phần cứng với 3.500 USD mỗi tháng.

Giai đoạn năm 2013-2014 đánh dấu thời đại của “Tập trung vào dữ liệu” khi các doanh nghiệp hướng đến việc tận dụng khai thác các lợi thế của dữ liệu lớn, kéo theo mức lương cao nhất thuộc về 2 vị trí liên quan đến khoa học dữ liệu là kỹ sư khoa học dữ liệu (Data scientist) với 3.531 USD, và kỹ sư lập trình ngôn ngữ Python với 2.900 USD mỗi tháng.

Những năm 2015-2019, khoa học dữ liệu tiếp tục đóng vai trò quan trọng hơn. Do đó, vị trí “Phát triển hệ thống quản trị thông minh cho doanh nghiệp” được chiêu mộ có mức lương trung bình cao nhất, với 1.532 USD vào năm 2015.

Các xu hướng công nghệ cao cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Nhờ thế, những vị trí chuyên môn phụ trách công nghệ như IoT, AI, Blockchain, Cloud, lập trình thị giác máy tính…ngay lập tức giữ các mức lương trung bình cao nhất, dao động từ 1.800 đến gần 2.400 USD mỗi tháng.

Tăng trưởng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam trong thập kỷ qua được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên, ngành gia công phần mềm vẫn tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định. Tiếp đến, công nghệ ngày càng được xem là mũi nhọn phát triển của nhiều tập đoàn lớn, không chỉ với FPT, Viettel hay VNPT mà còn có những “đại gia” mới như Vingroup.

Song song đó, nền kinh tế số tại Việt Nam phát triển khá nhanh. Báo cáo năm 2019 của Google và Temasek cho biết, nền kinh tế số Việt Nam đạt quy mô 12 tỷ USD và sẽ bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.

Khuôn viên Đại học FPT TP. HCM nằm trong khu Công Nghệ Cao Quân 9 với nhiều công ty công nghệ lớn

Vào đầu năm, TopDev cũng khẳng định, thị trường kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với 12 lĩnh vực. Nổi bật có thương mại điện tử, Fintech, gọi xe – gọi thức ăn, chăm sóc sức khỏe…Các lĩnh vực này đều cần nhân sự IT.

Trong báo cáo của mình, VietnamWorks cho biết, top 3 có mức lương trung bình mỗi tháng cao nhất cho nhân sự IT lần lượt là: Fintech (1.115 USD); công nghệ cao như IoT, AI, Blockchain… (1.055 USD) và thương mại điện tử (895 USD).

Thời gian tới, công nghệ thông tin được dự báo vẫn là một trong những ngành “khát” nhân sự nhất. Thống kê của TopDev cho biết, năm 2019 Việt Nam thiếu đến 90.000 nhân sự IT. Trong năm 2020, con số này tăng đến 400.000 nhân sự và sẽ chạm mốc 500.000 vào năm 2021.

Năm 2020, Đại học FPT tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin với các chuyên ngành Kỹ thuật phần mềmHệ thống thông tinTrí tuệ nhân tạoAn toàn thông tinIoTThiết kế mỹ thuật số.

Thí sinh có thể xem thông tin chi tiết về điều kiện đăng ký vào trường Đại học FPT tại Quy chế Tuyển sinh năm 2020 hoặc để lại thông tin để cán bộ trường tư vấn chi tiết hơn.

Theo VnExpress.net

Exit mobile version