Lựa chọn ngành nghề luôn là vấn đề không dễ đối với nhiều thí sinh trước mỗi mùa tuyển sinh. Làm thế nào để đưa ra quyết định học những ngành nghề phù hợp nhất cho mình? Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 được dự báo xu hướng các ngành đào tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được nhiều thí sinh để mắt đến.
Tương lai sáng của ngành Công nghệ & Kinh tế
Kỹ sư phần mềm: Sự kiện Nguyễn Hà Đông với game Flappy bird khẳng định thành công của mình, với số tiền lên tới 50.000$/ngày, đã thực sự mở ra một “kỷ nguyên mới” cho ngành công nghệ phần mềm. Đây cũng là đích đến mong muốn của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Nguyễn Hà Đông với game Flappy Bird một lần nữa khẳng định công nghệ thông tin với việc đào tạo kỹ sư phần mềm vẫn và sẽ tiếp tục hot trong năm nay và những năm kế tiếp.
Thực tế cho thấy, trên thị trường lao động trong những năm gần đây, ngành CNTT vẫn cho thấy sức hấp dẫn lớn. Nhiều chuyên gia công nghệ khẳng định: Lập trình phần mềm là một trong số ít ngành nghề có khả năng “miễn dịch” với khủng hoảng kinh tế hiện nay, cho dù suy thoái kinh tế có xảy ra hay không, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn cần nhiều nhân lực cho ngành nghề này.
Hệ thống thông tin quản lý (MIS): Đây là ngành học thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ thời gian qua. MIS không giống với ngành công nghệ thông tin cho dù đòi hỏi những kỹ năng thuần thục về máy tính. MIS tập trung vào thiết kế, quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp với các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như biết cách làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.
Với kỹ năng được trang bị là kiến thức chuyên môn liên quan cùng kỹ năng mềm cần thiết, đủ để tiếp cận cách quản lý dự án công nghệ thông tin, lập trình web, mạng và truyền thông, cũng như có tư duy logic, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian… Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang cần nhân lực thuần thục kỹ năng này để trợ giúp hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách, dự án về phát triển. Hứa hẹn đầu ra đa dạng, với nhiều vị trí công việc ở tất cả các lĩnh vực từ thiết kế và quản lý một hệ thống thông tin kinh tế cho đến quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, chuyên viên phân tích hệ thống, tích hợp hệ thống, quản trị viên hệ thống thông tin… đều là đích đến của ngành học.
Marketing thời 4.0: Khác với trước đây, marketing thời 4.0 có những yêu cầu ngày càng cao, đặc biệt là khả năng ứng dụng kỹ thuật số. Khi người người, nhà nhà sử dụng những thiết bị thông minh, Google, Facebook… cùng với nhu cầu tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp phát triển mạnh cũng là lúc yêu cầu đáp ứng nhân lực của ngành marketing thời số hóa tăng cao.
Nhìn vào thị trường Việt Nam có thể thấy, từ doanh nghiệp lớn đến công ty con đều tận dụng không gian tiếp thị và quảng bá sản phẩm trên các thiết bị số, đặc biệt là thiết bị di động. Đây được coi là xu hướng thay đổi kinh tế, cách mà các nhà đầu tư đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng ngày một khác để có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ.
Để làm được việc đó, doanh nghiệp cần một đội ngũ chuyên gia có kỹ năng thuần thục về marketing số, có thể lên dự án, tiếp xúc với khách hàng, đưa ra những sáng tạo để tiêu thụ được sản phẩm. Nhân lực nào được đào tạo digital marketing thỏa mãn được những yêu cầu trên của doanh nghiệp chắc chắn sẽ được mức đãi ngộ tương xứng với trí lực mình bỏ ra.
Điều dưỡng, du lịch… có nhu cầu nhân lực cao
Bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên: Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập người dân cũng ngày một tăng cao, đi cùng với đó là đòi hỏi về chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn, những yêu cầu chất lượng về an sinh xã hội và dinh dưỡng ngày một quan trọng đối với từng cá nhân và gia đình. Đứng trước đòi hỏi đó, ngành nghề y tế – điều dưỡng đang và sẽ phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo dự báo trên thị trường lao động quốc tế thì khối ngành y tế – điều dưỡng là xu hướng nghề nghiệp năm 2020, với dự đoán mức tăng trưởng lên tới 19,5%. Theo kế hoạch phát triển nhân lực của Bộ Y tế trong hệ thống khám – chữa bệnh giai đoạn từ 2015 – 2020, cần phải bổ sung 10.887 dược sĩ đại học và 83.851 điều dưỡng; đạt 30% tổng số điều dưỡng có trình độ CĐ – ĐH. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tuyển 10.000 y tá điều dưỡng từ Việt Nam trước mùa hè 2020 nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động của nước này.
Du lịch, quản lí nhà hàng khách sạn: Khi đời sống kinh tế – xã hội phát triển, nhu cầu được nghỉ ngơi, ăn uống và đặc biệt là du lịch ngày càng cao hứa hẹn nhân lực cho ngành du lịch, quản lí khách sạn sẽ luôn cần trong năm nay và những năm tiếp sau đó. Đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường Việt Nam những năm gần đây, ngành du lịch, nhà hàng, quản trị khách sạn luôn nằm trong top 3 những ngành khao khát nhân sự nhất.
Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế với mức tăng trưởng đạt 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất 11 năm qua. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), cùng với đó là tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình đạt khoảng 30% trong vài năm gần đây.
Chỉ đơn cử như Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt hơn 13,1 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của du lịch cũng đồng nghĩa với đòi hỏi nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Năm 2019, Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Công nghệ thông tin (Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính); Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Quản trị kinh doanh; Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (dự kiến), Truyền thông đa phương tiện; Thiết kế đồ hoạ. Thí sinh có nguyện vọng theo học Đại học FPT cần tham dự và trúng tuyển kỳ thi sơ tuyển của trường hoặc đủ điều kiện miễn thi sơ tuyển. |