Trường đại học cho hàng trăm sinh viên bảo lưu để đi làm

Đang học năm 2 – năm 3, nhiều sinh viên ĐH FPT xin bảo lưu kết quả học tập để đi làm và được nhà trường chấp thuận.

Đại diện trường cho hay họ còn hướng dẫn sinh viên làm CV, trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng sao cho ấn tượng, khuyến khích sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc từ sớm.

Nghĩ đến chuyện làm ở đâu ngay từ khi nhập học

Ngay từ khi nhập học, nhiều sinh viên ĐH FPT đã xác định cho mình một lộ trình rõ ràng từ học thêm ngoại ngữ gì, rèn luyện kỹ năng mềm như thế nào đến “ngắm nghía” một vài doanh nghiệp để đi làm thêm.

Học đến năm 2, năm 3 mà chưa từng thực tập hoặc cộng tác bán thời gian ở một doanh nghiệp nào, đối với các sinh viên tại đây, đó là điều kỳ lạ. Thậm chí, chưa đến kỳ thực tập theo kế hoạch của nhà trường, nhiều bạn xin bảo lưu khoảng 1 học kỳ tương đương 4 tháng để đi làm. Sau khi hoàn thành kỳ thực tập (On Job Training) năm cuối theo đúng quy định, sinh viên sẽ có khoảng 8 tháng đến 1 năm kinh nghiệm làm việc thực tế ở một hoặc nhiều doanh nghiệp khác nhau tùy vào độ “đa-zi-năng” của từng bạn.

Ban đầu, mình nhận việc về làm tại nhà, chỉ lên văn phòng 1 buổi/ tuần, rồi làm bán thời gian các ngày trong tuần, sau đó làm toàn thời gian 1-2 buổi khi sắp xếp được lịch học. Bạn bè mình ở ký túc xá còn nhận việc rồi chia nhau làm hoặc rủ nhau cùng đến công ty này doanh nghiệp kia xin làm cộng tác viên, vui lắm.” Thành Đức (sinh viên K11, Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT) chia sẻ.

Cũng theo Đức, sinh viên tại trường khi đi thực tập hoặc cộng tác thường không nặng nề “tâm lý thực tập sinh”. “Đi thực tập cũng như một nhân viên đi làm chính thức, mình luôn chủ động nhận việc, hoàn thành đúng deadline và yêu cầu được các anh chị đi trước chỉ ra chỗ đúng, chỗ sai để học hỏi và rút kinh nghiệm.” Đức cho biết.

Sinh viên được phép và được hướng dẫn để đi làm

Hồ Hoàng Hiệp là sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT. Hiện, Hiệp đang bảo lưu việc học để làm việc ở vị trí thực tập sinh cho một công ty công nghệ tại Nhật Bản. “Cuối năm ngoái, mình được một công ty Nhật Bản tuyển vào vị trí thực tập sinh, làm việc theo dự án. Đứng trước cơ hội lớn, không phải lúc nào cũng có, mình quyết định xin bảo lưu 1 học kỳ để sang Nhật thực tập. Đây là lần thứ hai mình xin bảo lưu việc học ở trường”, Hiệp nói.

Đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp từ lâu đã trở thành “đặc sản” ở ĐH FPT. Sinh viên có thể tham gia nhiều hoạt động gặp gỡ doanh nghiệp, đối thoại cùng nhà tuyển dụng mà Company Tour, Đối thoại cùng doanh nghiệp… là ví dụ hay giao lưu cùng cựu sinh viên khởi nghiệp để có những hiểu biết về thị trường lao động hiện nay.

Sinh viên được hướng dẫn cách tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và hòa nhập môi trường làm việc mới trước khi đi thực tập.

Trường cũng thường xuyên có các hoạt động hướng dẫn sinh viên: tư vấn kỹ năng cơ bản trước khi bắt đầu công việc: viết CV, trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng, chuẩn bị tâm lý, có nên bảo lưu học kỳ để đi làm hay không… Sinh viên học được nhiều tip ghi điểm trước doanh nghiệp như cách tạo ấn tượng qua CV, cách đặt câu hỏi ngược lại nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, hòa nhập như thế nào với môi trường làm việc mới…

Chị Phạm Tuyết Hạnh Hà (Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH FPT) chia sẻ: “Với chương trình Coaching cho sinh viên trước giai đoạn thực tập, chúng tôi muốn các em có sự chuẩn bị tốt nhất về thái độ của một người làm việc chuyên nghiệp. Các em không chỉ coi thực tập là giai đoạn học tập mà còn là giai đoạn đem lại giá trị cho công ty và giá trị lâu dài cho chính con đường sự nghiệp của mình.”

Đi làm khá sớm, thậm chí bảo lưu việc học để đi làm, Hoàng Hiệp cho rằng quá trình này không chỉ giúp sinh viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm mà còn mở rộng mối quan hệ và phần nào tự định hướng rõ ràng hơn cho tương lai của mình. “Công nghệ thông tin là lĩnh vực rất rộng. Nhiều sinh viên công nghệ mới ra trường phần nào cảm thấy mông lung trong việc định hướng tương lai. Mình nghĩ, sinh viên có thể đi làm sớm hoặc vừa học vừa làm, miễn là tìm cách cân bằng cả hai.” chàng sinh viên ĐH FPT chia sẻ.

Theo Tuoitre