Cách làm việc nhóm ăn ý, ứng dụng công nghệ mới để hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo quy trình chặt chẽ, có khả năng thương mại hóa là điều mà không ít nhóm sinh viên FPT đã ghi điểm trước Hội đồng chấm bảo vệ đồ án trong Lễ Bảo vệ đồ án lần 3 năm 2014.
Cùng điểm mặt một số đồ án nổi bật tại tòa nhà Innovation, Trường Đại học FPT.
Thẻ sử dụng dịch vụ ứng dụng công nghệ NFC
Xuất phát từ việc Iphone 6 ra đời với công nghệ NFC và Google triển khai ứng dụng ví điện tử sử dụng công nghệ NFC, đồ án Thẻ sử dụng dịch vụ do nhóm sinh viên Trần Nguyễn Đăng Khoa, Đặng Ngọc Huy và Nguyễn Hoàng Tân muốn sử dụng công nghệ NFC để tạo danh thiếp điện tử và vé điện tử, mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho người dùng. Cụ thể, sử dụng vé sự kiện NFC, thông tin vé nằm trên điện thoại của người dùng, khi cần người dùng sẽ ghi xuống thẻ và người soát vé chỉ cần chạm thẻ vào điện thoại để soát vé. Quá trình này chỉ mất khoảng 1 giây và tính tiện dụng cao khi điện thoại là vật bất ly thân với người dùng hiện nay. Nhóm đã thiết kế hệ thống trên nền tảng .Net framework 4.5 giao tiếp với ứng dụng đi động trên nền tảng Android thông qua Web API; áp dụng thuật toán K Means, sử dụng thêm NoSQL Neo4j để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Ưu điểm của thẻ NFC là có tốc độ trao đổi dữ liệu rất nhanh, dữ liệu đảm bảo tính chính xác và chi phí thấp, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và dễ sử dụng. Nó giải quyết những hạn chế của danh thiếp truyền thống, vé sự kiện truyền thống, vé điện tử chứa QR code như mất thời gian, lãng phí, sai sót, dễ hỏng, rách, thiếu thân thiện với môi trường.
Đồ án Thẻ sử dụng dịch vụ được hội đồng đánh giá cao về khả năng thương mại hóa, có thể triển khai cho số đông người dùng. “Trong tương lai, ngoài mảng danh thiếp và vé sự kiện, nhóm muốn thử sức trong lĩnh vực chứng minh nhân dân điện tử, thẻ y tế điện tử và thẻ định danh sản phẩm. Nhóm đang có kế hoạch giới thiệu sản phẩm với các công ty đầu tư công nghệ để đưa hệ thống vào thực tế”, trưởng nhóm Trần Nguyễn Đăng Khoa cho biết.
Kể về quá trình thực hiện đồ án, Đăng Khoa tâm sự: “Nhóm gặp nhiều khó khăn liên quan đến thiết bị cũng như môi trường phát triển vì công nghệ còn quá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng mình đã đạt được mục tiêu đề ra, cho ra mắt 2 sản phẩm cụ thể là Danh thiếp điện tử NFC và Vé Sự Kiện NFC trong thời gian 4 tháng”.
Ứng dụng giúp liên kết các giáo xứ
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong việc quản lý thông tin trong các giáo xứ hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, Hệ thống quản lý giáo xứ do nhóm sinh viên Huỳnh Minh Khôi (trưởng nhóm), Huỳnh Minh Tuấn và Lê Minh Quân đã cùng bắt tay thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đức Khoan. Đồ án được đánh giá là một đề tài mới, lần đầu có mặt trong Lễ Bảo vệ đồ án tại toà nhà Innovation.
Đồ án ra đời hướng đến mục đích tạo liên kết giữa các giáo xứ, quản lý, thống kê cũng như thuận tiện trong vệc chuyển đổi thông tin qua lại giữa các giáo xứ. Trong 4 tháng, nhóm triển khai đề tài này từ việc tìm hiểu các vấn đề liên quan trong việc quản lý, những hạn chế của các chương trình offline cũ để từ đó bổ sung, nâng cao những chức năng cần thiết, thiết thực trong quá trình phát triển.
Đồ án của nhóm xuất phát từ nhu cầu thực tế trong việc quản lý thông tin trong các giáo xứ hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh.
Với ứng dụng của Quản lý giáo xứ, thông tin của một giáo dân/gia đình sẽ được lưu trữ và chuyển đi một cách dễ dàng, đồng thời có thể cấu hình những yêu cầu chung phục vụ cho sự đồng bộ giữa các giáo xứ và giúp người dùng kiểm tra những dữ liệu chưa chuẩn để hỗ trợ cho chuẩn hóa dữ liệu để giúp cho thông tin được rõ ràng hơn. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc khi chưa hỗ trợ truy vết thông tin chuyển xứ của một cá nhân/gia đình nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn, sự phối hợp ăn ý của các thành viên trong nhóm đã cho ra đời sản phẩm thuyết phục hồi đồng chấm điểm.
Nhận dạng vân tay ứng dụng trong các thiết bị di động dùng nguồn pin
Xuất phát từ sự phát triển của các thiết bị di động ngày được mở rộng và nâng cao như thiết bị di động thông minh đồng thời nhận thấy nhận dạng vân tay là một trong những tính năng cần thiết, nhóm sinh viên Dương Mẫn Tiệp, Cao Thanh Thế Việt và Mai Đăng Huy đã cho ra đời thiết bị Thiết kế và hiện thực module nhận dạng vân tay ứng dụng trong các thiết bị di động dùng nguồn pin.
Đồ án hướng tới phát triển một thiết bị có khả năng nhận dạng vân tay và có thể giao tiếp với các thiết bị di động thông qua kết nối USB.
Là một đồ án thuộc hệ thống nhúng, ứng dụng này đòi hỏi những thiết bị phần cứng để xây dựng một module nhận dạng vân tay: board mạch chính và cảm biến vân tay. Sau khi đã có phần cứng, nhóm tìm hiểu thuật toán xử lý nhận dạng vân tay và hiện thực thuật toán bằng việc lập trình và hoàn thành module. Cuối cùng, nhóm phát triển những ứng dụng trên các thiết bị di động (android, windows laptop) để làm việc với module. Điểm thú vị của đề tài là khả năng giao tiếp của module với các thiết bị khác, giúp tăng khả năng hoạt động, mở rộng chức năng cho module.
Theo tư vấn từ Hội đồng chấm bảo vệ đồ án, trong tương lai, sản phẩm cần thu nhỏ hơn nữa kích thước, tăng khả năng lưu trữ và phát triển thêm các kết nối không dây. Từ đó, ứng dụng có thể hướng tới hỗ trợ cảnh sát điều tra hoặc kết hợp với các máy móc trong công trường, nhà máy, công xưởng để cấp quyền kích hoạt những máy móc này… Trưởng nhóm Dương Mẫn Tiệp chia sẻ những khó khăn mà nhóm gặp phải, từ việc tìm mua phần cứng, đến việc đưa thuật toán lên board với nguồn tài nguyên hạn chế. “Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và quyết tâm của các thành viên trong nhóm, những khó khăn đã dần dần được giải quyết”, Tiệp bày tỏ.
Hỗ trợ liên kết tài xế xe ôm và người dùng dịch vụ
Đồ án Hỗ trợ tài xế xe ôm ra đời từ ý tưởng các tài xế xe ôm thường không có đặc điểm để dễ nhận biết, họ di chuyển thường xuyên nên việc tìm kiếm tài xế xe ôm trở nên khó khăn đối với người có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Với thực tế này, nhóm các sinh viên Nguyễn Duy Phương (nhóm trưởng), Nguyễn Anh Tuấn và Mai Tuấn Thành đã xây dựng một hệ thống để các tài xế đăng ký thông tin cơ bản như họ tên, địa điểm thường đứng…nhằm hỗ trợ họ cập nhật địa điểm hiện tại tự động thông qua GPS hoặc nhập vào địa điểm hiện tại của họ. Qua đó, các thông tin của tài xế được tổng hợp và đưa ra các gợi ý tài xế thích hợp với nhu cầu của người sử dụng dịch vụ này.
Từ đó, các tài xế xe ôm có thể nhận được các yêu cầu từ hành khách thông qua ứng dụng di động hoặc tin nhắn SMS và lúc đó, người cung cấp dịch vụ có thể chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu từ khách hàng trực tiếp thông qua ứng dụng hệ thống cung cấp.
Giải thích về cơ chế vận hành của ứng dụng, một thành viên trong nhóm cho biết, hệ thống hỗ trợ các tài xế sử dụng hệ điều hành Android, hoặc các điện thoại có nền tảng Java ME (các điện thoại hỗ trợ ứng dụng Java của Nokia, Samsung, Motorola …) có hỗ trợ kết nối Internet. Ngoài ra, các tài xế sử dụng điện thoại không được hỗ trợ bởi hệ thống có thể sử dụng chức năng của hệ thống thông qua các cú pháp tin nhắn SMS, còn hành khách có thể sử dụng ứng dụng của hệ thống thông qua các thiết bị Android.
Cũng theo chia sẻ của thành viên này, trong tương lai, đồ án sẽ phát triển thêm các ứng dụng trên nền tảng khác như iOS, Windows Phone… Phát triển thêm các tính năng như hỗ trợ tài xế báo giá, hỗ trợ hành khách theo dõi hành trình chuyến đi, hoàn thiện các ràng buộc về quy trình tìm kiếm và yêu cầu tài xế để có thể ứng dụng trong thực tế.
Như Quỳnh – Nhật Trường