Bật mí cấu trúc bài dự thi vào Đại học FPT

Khác với đề thi THPT Quốc gia – nặng tính học thuật, chủ yếu kiểm tra kiến thức phổ thông, đề thi vào Đại học FPT gây bất ngờ vì dạng bài kiểm tra tư duy logic, khả năng nghị luận của thí sinh. Và đương nhiên với kiểu ra đề như thế, thí sinh không cần biết đến tháng ngày mòn mỏi đi học thêm…

Kiểu đề thi ‘lạ’ này xuất hiện ngay từ năm đầu tiên trường ĐH FPT tổ chức tuyển sinh – năm 2007. Nói lạ nhưng thực ra… không lạ bởi các dạng bài được mô phỏng theo các kiểu đề thi GMAT, GRE, LSAT… nổi tiếng mà đa phần các trường đại học ở Mỹ thường dùng để tuyển chọn sinh viên.

Tất cả các thí sinh thi vào Đại học FPT đều trải qua 2 bài kiểm tra. Bài kiểm tra 1 nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi. Ví dụ như thí sinh đăng ký ngành Thiết kế đồ họa sẽ làm bài thi Năng khiếu đồ họa, thí sinh ngành Quản trị kinh doanh sẽ thi bài IQ và Kiến thức tổng quát… Bài thi này kéo dài 120 phút, gồm 90 câu với thang điểm 90.

ĐH FPT thường thu hút sự quan tâm rất lớn của các thí sinh tại các Ngày hội tuyển sinh, một phần nhờ cách thức thi tuyển độc đáo, đánh giá tố chất và sự phù hợp của thí sinh với ngành học.

Trong bài thi này lại có các phần nhỏ hơn mà tùy theo ngành học, trường sẽ có sự bố trí cho phù hợp. Các phần đó có thể là Giải quyết vấn đề, Đầy đủ dữ kiện, Lập luận, Kiến thức xã hội… Nội dung các câu hỏi đề cập rất ít đến kiến thức Toán bậc phổ thông, không mang tính đánh đố nhưng do cách hỏi khá mới nên nếu chưa từng làm quen với dạng đề này, thí sinh sẽ mất khá nhiều thời gian… ổn định tinh thần!

Để đạt điểm cao, anh Vũ Công Thành, sinh viên khóa 7, chủ nhân của suất học bổng 100% năm 2011 chia sẻ: ‘Ban đầu mình có suy nghĩ rằng vì thi IQ nên ôn làm gì cho mệt, IQ là hằng số, ôn thì cũng thế. Và thực tế chứng minh ngược lại! Ôn sẽ làm bạn có kĩ năng, kinh nghiệm và giải nhanh hơn rất nhiều’. Những tài liệu anh Thành thường sử dụng là đề thi GMAT, GRE và LSAT của Mỹ.

Bài thi 2 nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh. Thời gian làm bài là 60 phút với thang điểm 15.

Đây là bài thi từng khiến thí sinh năm nào cũng ‘sốc’ vì độ ‘độc’ và ‘lạ’ của nó. Ví dụ như đề bài trong kì thi tháng 4/2007: ‘Hạnh phúc là cái gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hay con người có thể lựa chọn để có hạnh phúc? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này’.

Đề thi tháng 8/2011 bàn về mối quan hệ giữa mục tiêu – phương tiện: ‘Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói một cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kỳ phương tiện nào thực hiện để đạt được mục tiêu đó đều là chính đáng’. Bạn có đồng ý với phát biểu trên không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này.

Hay: ‘Liệu những nhân vật, sự kiện không có thật trong văn học có dạy cho chúng ta điều gì ích lợi không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này.’

Hay thậm chí đề thi tháng 4/2012 còn từng gây ‘bão mạng’ vì thẳng thừng đề cập đến một đề tài rất nhạy cảm là trinh tiết của người phụ nữ. Do đó, ĐH FPT từng lưu ý các thí sinh: ‘Bài luận là nơi thí sinh thể hiện năng lực nghị luận xã hội của mình. Dó đó, nếu chỉ chăm chăm đọc văn mẫu và ôn thi theo cách thông thường, bạn sẽ không thể đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển vào ĐH FPT’.

Tổng thời gian làm cả hai bài thi là 180 phút. Mức điểm cao nhất một thí sinh có thể nhận được là 105.

Năm nay, Đại học FPT tổ chức kì thi sơ tuyển vào ngày 12/5. Trên website của trường cũng đăng tải sẵn đề thi mẫu của mỗi chuyên ngành nhằm giúp thí sinh có định hướng ôn luyện rõ ràng hơn. Ngoài mục đích tuyển sinh, kì thi này còn giúp tìm ra những cá nhân xuất sắc để nhà trường trao học bổng với các mức từ 10% – 100%. Theo công bố, số học bổng được trao trong năm nay là 500 suất, nhiều hơn 100 suất so với năm 2018.

Chúc các thí sinh quyết tâm chọn trường học khác lạ Đại học FPT tìm ra được bí quyết dùi mài kinh sử để làm bài thi vào ĐH FPT đạt kết quả cao nhé.

Theo Tiin