Tìm hiểu về Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) – Công nghệ đột phá và dẫn dầu trong cuộc CMCN 4.0

Là một trong những chuyên ngành mới tại Đại học FPT, Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) thu hút sự quan tâm của không ít sinh viên đam mê công nghệ và mong muốn đón đầu xu thế 4.0. Để giúp các bạn sinh viên có cơ hội tiếp xúc những kiến thức về AI, CLB FCode – Phòng PDP Đại học FPT đã tổ chức buổi workshop mang tên: “Smart TESTING using A.I” với nhiều thông tin hữu ích.

Công nghệ AI (viết tắt của Artificial Intelligence) hoặc trí thông minh nhân tạo là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quá trình này bao gồm việc học tập (thu thập thông tin và các quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định), và tự sửa lỗi. Các ứng dụng đặc biệt của AI bao gồm các hệ thống chuyên gia, nhận dạng tiếng nói và thị giác máy tính (nhận diện khuôn mặt, vật thể hoặc chữ viết).

Xuất hiện lần đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước, hiện tại AI trở nên ngày càng nổi tiếng, quan tâm hơn và được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống. Các ngành nghề liên quan tới Trí tuệ nhân tạo ngày càng “hot” nhưng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ và kiến thức tốt.

Tại chương trình, các bạn sinh viên đã nhận được nhiều chia sẻ thú vị về công nghệ kiểm thử phần mềm bằng AI bởi diễn giả Nguyễn Đức Hồng – CTO của Global CyberSoft Vietnam. Công ty Global CyberSoft (Việt Nam) (GCS) hiện là một công ty thành viên của tập đoàn Hitachi chuyên  cung cấp dịch vụ và giải pháp phần mềm hàng đầu tại Việt Nam. Với đội ngũ trên 1000 chuyên viên có trình độ cao, GCS có hoạt động kinh doanh tại 18 quốc gia với 3 trung tâm phát triển chính tại Việt Nam.

Phần trọng điểm mà diễn giả trình bày là về quá trình điều tra nguyên nhân lỗi trong kiểm thử phần mềm với việc sử dụng A.I. Qua đó những lỗi mà testing đã rà soát được qua việc testing sẽ được đưa tới module A.I để xử lý. Module A.I trước khi có thể thực thi việc chẩn đoán cần được các chuyên gia chuẩn bị các kiến thức cần trong việc điều tra nguyên nhân lỗi và sau đó module A.I sẽ học những kiến thức này để phục vụ cho quá trình chuẩn đoán lỗi. Việc chuẩn đoán lỗi sẽ được A.I thực thi thông qua ma trận kiểm tra (execution matrix), ma trận này được tạo nên từ những dấu vết gây lỗi quan sát được từ testing trước đó. Việc điều tra lỗi sẽ đưa ra những tổ hợp đang mâu thuẫn với nhau, với mỗi tổ hợp lỗi có ít nhất 1 chức năng đang gặp lỗi.

Bạn Huỳnh Hữu Tín, sinh viên ĐH FPT tham gia buổi Workshop hào hứng chia sẻ: “Mình cảm thấy buổi Workshop hôm nay khá là lí thú. Mình cảm thấy bị hấp dẫn bởi Trí tuệ nhân tạo từ khá lâu và qua buổi trò chuyện hôm nay mình đã hiểu rõ hơn về nó. Mình cảm ơn trường ĐH FPT đã tổ chức một buổi Workshop bổ ích cho sinh viên, cảm ơn Diễn giả Nguyễn Đức Hồng đã chia sẻ những kiến thức bổ ích. Mình mong sau này sẽ có những buổi Workshop như vậy”. 

Sau buổi Workshop, bạn Huỳnh Thế Hiển, thành viên CLB Fcode chia sẻ: “Buổi Workshop thành công hơn mình nghĩ. Sắp tới, sau khi qua quận 9, mình mong muốn có thể tiếp tục tổ chức những buổi Workshop như vậy để các bạn sinh viên có thể tiếp cận  với những công nghệ mới đồng thời trao đổi kiến thức với nhau”.

FU HCM