Khi sinh viên ĐH FPT nghiên cứu về ‘nhiễu loạn thông tin’

Xem hiện tượng nhiễu loạn thông tin trên môi trường mạng là vấn nạn, một nhóm sinh viên quyết lấy đó làm chủ đề khóa luận tốt nghiệp.

Hơn 40 tác phẩm trong khóa luận tốt nghiệp về nhiễu loạn thông tin của nhóm sinh viên ngành thiết kế mỹ thuật số gồm Nguyên Khôi, Gia Bảo và Hoàng Nhân vừa được Trường đại học FPT triển lãm với chủ đề Noise ngay tại khuôn viên trường ở TP Thủ Đức, TP.HCM.

base64 16804323110711372369025
Nhiều bạn trẻ thích thú, tò mò trước chủ đề khóa luận đầy mới mẻ: Nhiễu loạn thông tin

“Tôi cũng là một phần trong số các bạn trẻ thời nay, cũng từng dành nhiều thời gian trong ngày chỉ để lướt Internet. Mãi sau này mới nhận ra phần lớn “cú lướt” đó đều không mang lại hữu ích gì, thậm chí là vô bổ, chuốc thêm ưu phiền”, Nguyên Khôi mở đầu phần giới thiệu về buổi triển lãm.

Đó cũng là lý do Nguyên Khôi, Gia Bảo và Hoàng Nhân lấy sự nhiễu loạn của thông tin, thậm chí là sự nhiễu loạn của mỗi người khi đứng trước dòng chảy thông tin đầy biến động để làm chung đề tài khóa luận.

Không gian trọng tâm của triển lãm là khu vực tương tác thời gian thực (Real time) với sự ứng dụng các công nghệ hiện đại như Motion Tracking, Holofan, Hologram…

base64 16804323111961850363550
Học sinh Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai) trải nghiệm các công nghệ tại triển lãm Noise

Để dễ hiểu, nhóm tác giả dùng màn hình LED để chiếu “dòng chảy thông tin” đang liên tục chạy dọc ngang trên đó. Khi có ai đó bước vào khung hình (cảm biến của camera), dòng chữ news (thông tin) vừa hiện rõ mồn một trên màn hình đã lập tức nhòe, biến dạng đi theo cử chỉ của người đó. Thậm chí, hình ảnh “nhân bản” của người đó qua đồ họa cũng biến dạng ít nhiều.

base64 16804323112531407885811
Triển lãm nhận được sự quan tâm của rất đông sinh viên, học sinh trong và ngoài TP.HCM

Theo Gia Bảo, nhóm mất gần bốn tháng để thu thập dữ liệu và gần ba tháng để thể hiện ý tưởng.

Bạn Thành Nhân (học sinh Trường THPT Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nói được thuyết phục hoàn toàn trước những thông tin từ triển lãm. Mỗi ngày ngoài giờ học, Nhân dành hết thời gian cho việc lướt điện thoại. “Không thể nhớ mình lướt mạng, TikTok, Facebook bao nhiêu tiếng mỗi ngày, chỉ biết rảnh tay là lại lướt, lướt không nghĩ ngợi”, Nhân cười.

Theo báo cáo của GroupM – công ty đầu tư truyền thông quảng cáo có trụ sở tại Mỹ – mà nhóm đã trích dẫn, vào năm 2021, trung bình mỗi người dành 221 phút/ngày cho các hoạt động trên Internet. Đặc biệt khi con số này đang tăng lên từng ngày.

Theo Tuổi trẻ