Trường học 4.0 nơi nuôi dưỡng các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu

“Trường học 4.0” là chủ đề của FPT Educamp 2018 diễn ra tại Đại học FPT Hoà Lạc. Đây là lần thứ 5 sự kiện giáo dục này được tổ chức. Tham dự hội thảo có ông Takumi Miyoshi – Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản – Keynote 1, ông Nguyễn Văn Tâm – Founder CEO Công ty CP Công nghệ TAMAI – Keynote 2, anhTrương Gia Bình – Chủ tịch FPT, anh Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng ĐH FPT, chị Nguyễn Kim Ánh – Phó Hiệu trưởng Đại học FPT, anh Nguyễn Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng ĐH FPT cùng hơn 300 CBGV là các diễn giả và người tham dự Hội thảo.

Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Hội thảo Educamp lần này là cơ hội quý báu để tái giáo dục, thay đổi phong cách dạy và học. Từ đây, FPT Education sẽ có những nguồn nhân lực mới sẵn sàng bước vào trường học 4.0… Phải là người có tâm thì mới gắn bó với nghề thiêng liêng này. Vai trò của từng giáo viên càng quan trọng trong thời kỳ 4.0, khi mỗi người sẽ là nơi bắt đầu đón xu hướng công nghệ mới chứ không phải đuổi kịp xu thế”.

Chủ tịch Trương Gia Binh khẳng định vai trò của từng giáo viên càng quan trọng trong thời kỳ 4.0

Trong phần thảo luận đầu tiên, GS.TS Takumi Miyoshi, GĐ trung tâm quốc tế – Học viện công nghệ Nhật Bản trao đổi với chủ đề “Nuôi dưỡng các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu thông qua các chương trình GPBL trong Kỷ nguyên xã hội 4.0”.

Cụ thể, bằng cách học tập dựa trên dự án toàn cầu (GPBL) – phương pháp giáo dục mới trong thời đại xã hội siêu thông minh. Phương pháp này là phiên bản toàn cầu của PBL đã được thực hiện với các trường đại học đối tác ở nước ngoài. Các nhóm quốc tế sẽ cùng thảo luận để giải quyết các vấn đề trong giáo dục và đề xuất các ứng dụng CNTT thông minh như IoT, AI. Từ đó, hướng tới việc phát triển kỹ năng và khả năng thích ứng cho các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu trong thời đại công nghệ 4.0.

TS Nguyễn Khắc Thành chụp ảnh cùng GS.TS Takumi Miyoshi, GĐ trung tâm quốc tế – Học viện công nghệ Nhật Bản

Theo giáo sư, hiện tại Nhật Bản đã có 37 trường đại học áp dụng phương pháp học tập này và đang nhận được một số thành công khởi sắc. Dự án của GS. Takumi Miyoshi dự kiến sẽ tiếp tục hướng đến các nước Đông Nam Á.

Tại Hội thảo, hơn 50 bài tham luận xoay quanh chủ đề nóng đã lột tả được bức tranh đa chiều của “trường học 4.0, mang tới cho người trong nghề những bài học, kinh nghiệm sâu sắc.

Chủ đề “Trường học 4.0 cần giáo viên hay người hướng dẫn”, anh Lê Ngọc Tuấn – Trường phòng IoT Ban Công nghệ FPT thu hút trên 50 người nghe. Tại đây, anh chia sẻ: “Trong thời kỳ 4.0, học sinh/sinh viên sẽ trở thành trung tâm còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn (mentor) cho các em. Các mentor chỉ xuất hiện khi người học thực sự gặp khó khăn”. Theo anh, điều này giúp học sinh sinh viên chủ động trong học tập, công việc và sáng tạo bản thân.

“Tích hợp Facebook trong giảng dạy” chủ đề tham luận của giảng viên Nguyễn Phương Tú cũng gây sốt trong mùa Educamp năm nay. “Mặc dù việc sử dụng Facebook để học tập không phải mới nhưng phương pháp tích hợp triệt để cùng các bài giảng thông qua hệ thống Messenger (facebook) của cô Tú đáng để thử”, chị Hồ Nguyễn Anh Thy – đại diện nhà xuất bản Cengage chia sẻ.

Ý tưởng về việc áp dụng trò chơi dân gian có ứng dụng công nghệ nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong không gian thảo luận buổi chiều. Với tên gọi “Nào cùng chơi”, Viện trưởng viện nghiên cứu FPT Trần Thế Trung hy vọng giải quyết được các bài toán: cận thị, béo phì, xa lánh tập thể… của học sinh tiểu học. Việc tạo không gian hòa vào các trò chơi truyền thống: mèo đuổi chuột, ô ăn quan… sẽ là ý tưởng đáng chú ý.

Tuy nhiên, người nghe khá lo lắng về chi phí công nghệ được áp dụng trong các giờ học “nào cùng chơi”. Viện trưởng cho biết: “Tất cả đang là ý tưởng và tôi sẽ thấy vui mừng nếu như một trong số chuyên gia có mặt tại phòng có thế tham gia vào nhóm để cùng xây dựng thành công kế hoạch”.

 

FPT Educamp được xem là sự kiện kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Education nói riêng.

PV (tổng hợp)