Sinh viên Đại học FPT nắm bắt chiếc chìa khóa thành công với đam mê lập trình

Những thắc mắc, trăn trở, băn khoăn về con đường nghề nghiệp của các bạn sinh viên đam mê lập trình đã được giải đáp qua Talkshow “Khởi đầu từ sau những dòng code” do Clb Kỹ sư phần mềm Nhật Bản – JS Club cùng nhóm sinh viên Fortunine lớp ES0903 – Đại học FPT phối hợp tổ chức tối 2/3/2017 tại Hội trường tầng 1 tòa nhà Beta, Đại học FPT Hà Nội.

Buổi Talkshow với sự góp mặt của anh Nguyễn Vũ Hưng – Chuyên viên hướng nghiệp, Mentor tại FUNIX, thành viên hội đồng quản trị IT Experts Club và Agile Viet Nam, và anh Bùi Xuân Cảnh – sinh viên K1 Đại học FPT, Quản trị dự án tại FPT Software – FPT Top 100 Excellent Person Of The Year đã thu hút sự tham gia của rất nhiều sinh viên đang theo học tại trường.

Muốn theo đuổi nghề lập trình, phải “tích lũy” như thế nào?

Là người chia sẻ đầu tiên, anh Nguyễn Vũ Hưng đã khẳng định: “IT không phải chỉ có việc lập trình”. Qua đó, anh nhấn mạnh rằng để là một lập trình viên giỏi thì ngoài khả năng lập trình ra cần có thêm nhiều kỹ năng khác như viết, soạn tài liệu, đọc sách, về tố chất thì cần cả IQ và EQ, và hơn hết vẫn là ý chí quyết tâm “phải làm bằng được!”

Kỹ năng mềm là một điều rất cần thiết với một “coder”, đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm,… Đa số, công việc lập trình đều làm việc theo nhóm. Khả năng để bạn thích ứng, và chia sẻ những ý kiến của bạn tại công ty chiếm vị trí rất quan trọng. Bạn phải biết cách phối hợp công việc với cộng sự, khả năng thuyết trình, giao tiếp, ứng xử của bạn sẽ được sử dụng tối đa trong môi trường làm việc này.

Anh Bùi Xuân Cảnh cho biết một trong những điều quý giá nhất anh học được ở Đại học FPT là kỹ năng mềm. Quan trọng không kém gì kĩ năng chuyên môn, nó giúp ích rất nhiều cho anh trong quá trình làm việc. Anh Cảnh nhấn mạnh đã sinh viên ngay khi còn đang đi học rằng hãy tham gia thật nhiều khóa đào tạo kỹ năng mềm ở trường, vì chính những kỹ năng đó nắm giữ 85% của sự thành công sau này.

Về vấn đề có quá nhiều môn phải học, anh Bùi Xuân Cảnh đã đưa ra lời khuyên rằng hãy chọn môn bản thân thích nhất, và dành nhiều thời gian cho nó.

Buổi Talkshow càng thú vị hơn nữa với sự xuất hiện bất ngờ của những khách mời đặc biệt, anh Tô Hải Sơn – chuyên gia trong vấn đề khởi nghiệp và thầy Nguyễn Tất Trung – người thầy tâm huyết của sinh viên Đại học FPT.

Anh Tô Hải Sơn (thứ 2 từ trái sang) – chuyên gia trong vấn đề khởi nghiệp mong muốn các bạn sinh viên hiểu rõ bản thân mình muốn gì, xem cuộc đời như một dự án và từ đó đặt ra những mục đích rõ ràng

Quá trình học cần rất nhiều nỗ lực và kiên trì, anh Tô Hải Sơn mong muốn các bạn sinh viên hiểu rõ bản thân mình muốn gì, xem cuộc đời như một dự án, và từ đó đặt ra những mục đích rõ ràng. Đem đến những câu chuyện thật trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, thầy Nguyễn Tất Trung đã tạo động lực, khuyến khích tinh thần học tập cho sinh viên. Thầy nhấn mạnh, học ngành này cần nhất vẫn là sự chăm chỉ, quyết tâm, và phương pháp học tập khoa học.

Lộ trình bước đến thành công của lập trình viên

Anh Bùi Xuân Cảnh nhấn mạnh việc làm gì trong tương lai đều không quan trọng, quan trọng là làm việc đó với ai, cũng như việc giỏi ngôn ngữ lập trình nào không quan trọng, quan trọng là code ngôn ngữ đó trong bao lâu. Từ đó, cựu sinh viên Khóa 1 ĐH FPT đã vẽ ra một biểu đồ định hướng nghề nghiệp tương lai dành cho những bạn lập trình viên và cả những bạn tester. Qua cách nhìn của anh Cảnh, khởi đầu của những bạn sinh viên dù là lập trình viên hay tester đều trải qua giai đoạn lập trình/ kiểm thử phần mềm. Từ đó thu thập những kinh nghiệm cần thiết để trở thành Technical Lead đối với lập trình viên, hay là Senial Tester đối với những bạn theo học Tester. Sau khi trải qua quá trình học hỏi và trải nghiệm đó, bạn có thể lựa chọn giữa việc thành Leader hoặc trở thành chuyên gia Principal Engineer (Principal Tester) với mức lương hơn $2000.

Phần giao lưu với các khách mời diễn ra sôi nổi. Các bạn sinh viên nhận được lời khuyên hữu ích từ các bậc tiền bối trong nghề

Chia sẻ về bí quyết chạm tới công việc mơ ước khi của các lập trình viên khi đứng trước các nhà tuyển dụng, anh Nguyễn Vũ Hưng và anh Bùi Xuân Cảnh đều chung quan điểm CV đẹp là ưu thế để nổi bật giữa những lập trình viên khác. Thông qua một CV người ta sẽ đánh giá được mức độ trau chuốt, tỉ mỉ, cẩn thận, nghiêm túc với bản sơ yếu về bản thân, cũng như với những dự án, những công việc sau này. Vậy nên từ bây giờ, hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật tốt, học thật nhiều, thật chuyên sâu, trải nghiệm nhiều nhất có thể, để có một CV ấn tượng như chính khả năng của bạn. Còn đối với những bạn chưa có kinh nghiệm hay kỹ năng chuyên môn, đừng vội thất vọng. Hãy chuẩn bị cho bản thân một tinh thần học hỏi tốt, nhiệt huyết và đam mê sẽ giúp các bạn trở thành người chiến thắng trong vòng phỏng vấn.

Buổi Talkshow khép lại với nhiều lời khuyên hữu ích của bậc tiền bối trong nghề dành cho những bạn sinh viên đam mê lập trình của Đại học FPT. Phạm Thị Hồng Hà – sinh viên K11 chia sẻ: “Sau buổi học này, em đã có một cái nhìn rõ hơn về ngành IT, từ đó có thêm quyết tâm học tập, làm việc. Mong rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nữa những chương trình thú vị và bổ ích như thế này.”

Đặng Nguyễn Phương Trang (Piaya)