Bí quyết “vượt ải” Học kỳ tại doanh nghiệp của SV Marketing

Là sinh viên ngành Marketing, Nguyễn Nhật Trường – sinh viên khóa 9 đã có 4 tháng thực tập khó quên tại Công ty TNHH Lotte Logistics Việt Nam. Trường không chỉ “pass” kỳ thực tập, mà còn được phía công ty đánh giá “xuất sắc”. Bí quyết gì đã giúp cậu ấy vượt một trong những ải “khoai sắn” nhất đời sinh viên FPT? Cùng nghe bạn ấy chia sẻ nhé!

PV: Chào Nhật Trường! Nghe nói nơi bạn đi OJT  là một công ty của “ngoại”.  Bạn có thể chia sẻ kỹ hơn về quãng thời gian thực tập của mình được không?

Nhật Trường: Trong 4 tháng OJT (Thực tập thực tế tại doanh nghiệp) mình đã có cơ hội thực tập tại Công Ty TNHH Lotte Logistics Việt Nam – công ty Hàn Quốc đặt trụ sở ở Việt Nam.

Trong quãng thời gian đầu, mình đã được quan sát tất cả quy trình xuất và nhập hàng, nhiệm vụ của các phòng ban trong công ty. Sau khi đã có những hiểu biết tổng quan về mô hình vận hành kho bãi trong ngành Logistics, mình được phân công giám sát quy trình xuất, nhập kho dưới sự hướng dẫn của anh Trưởng giám sát kho.

Cuối kỳ thực tập, mình còn được trải nghiệm sử dụng phần mềm khai báo hải quan trong bộ phận sales. Tất cả đều là một trải nghiệm thật thú vị đối với mình!

SV Nhật Trường – ảnh NVCC

PV: Được biết, kết quả thực tập của Trường rất tốt. Bạn được đánh giá là chăm chỉ, kỹ năng tốt, ham học hỏi, cầu tiến và thân thiện. Toàn những lời khen tặng, cảm giác của bạn thế nào?

Nhật Trường: Những lời khen ấy thực sự là nguồn động viên rất lớn với mình. Nhưng kết quả đó mình có được cũng là nhờ được các anh chị đồng nghiệp trong công ty nhiệt tình giúp đỡ, bảo ban rất tỉ mỉ nữa.

PV: Vậy bản thân bạn đánh giá như thế nào về kì thực tập của mình? Việc thực tập của một sinh viên chuyên ngành Kinh tế, mà cụ thể là ngành Marketing theo bạn có điểm đặc thù, khác biệt như thế nào với  các ngành khác?

Nhật Trường: Sau kỳ thực tập, mình nhận thấy bản thân đã có thêm những sự trưởng thành và nhận được thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong môi trường làm việc thực tế. Những kinh nghiệm có được trong kỳ thực tập giúp mình thực sự thấy rõ được tầm quan trọng của những kỹ năng (như giao tiếp, tác phong làm việc, máy tính văn phòng…) đã được học trong trường và vận dụng vào trong thực tế là như thế nào, những sự khác biệt so với bài vở phải được chúng ta thích ứng như thế nào.

Theo mình, một sinh viên ngành Marketing thì việc sẽ phải tập làm quen và thích ứng với mọi hoàn cảnh trong công việc. Việc tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau chắc chắn sẽ là một điều không thể thiếu. Và với mình, một marketer có thể thử thách mình trong những nhiệm vụ khác nhau giữa các phòng ban cũng sẽ là một điều thú vị mà chưa hẳn những ngành khác có thể mang đến.

PV: Bạn gặp phải những khó khăn gì trong kì thực tập, và bạn đã khắc phục những khó khăn đó ra sao?

Nhật Trường: Vì mình bắt đầu thực tập trong khoảng thời gian lượng khách hàng và lượng xuất nhập kho khá “dữ dội” nên mình đã mất khoảng 1-2 tuần để tập làm quen nhịp độ và bắt đầu học hỏi những điều mới và làm việc cùng các anh chị trong công ty. Mình đã đọc tham khảo những tài liệu của công ty về mảng kho bãi, những thông tin và từ ngữ cần thiết và bên cạnh đó là quan sát mọi việc hoạt động trong phòng điều hành. Sau một thời gian thì mình cũng đã bắt nhịp kịp với công việc.

PV: Bạn có kỷ niệm đáng nhớ nào trong suốt kỳ thực tập của mình?

Nhật Trường: Kỷ niệm khiến mình nhớ nhất? Có lẽ đó là lần đầu tiên mình được anh Trưởng phòng điều hành hướng dẫn trong kho bảo quản sản phẩm đông lạnh. Nhiệt độ chính xác bên trong lúc này là -18 độ C. Cảm giác lạnh như… à không lạnh hơn băng luôn ấy. Mình tưởng là chắc đang mùa Đông tại Nga (cười haha)

Lần đầu tiên vào kho đông lạnh mình chỉ “cầm cự” được khoảng 5 phút, nhưng những lần sau, khi quen được nhiệt độ thì mình đã khá hơn. Thật không thể nào quên được cảm giác ấy!

PV: Nghe về kỳ thực tập của Trường thú vị thật! Bạn có thể chia sẻ một số kinh nghiệm riêng để học tốt các môn chuyên ngành, thực tập tốt, làm việc tốt trong thực tế của mình?

Nhật Trường: Theo mình, chuyên ngành Marketing mà mình đang học có những thách thức về lượng kiến thức phải tiếp thu là khá nhiều như hiểu và sử dụng thuật ngữ đúng; phân tích đúng các bước trong quy trình, mô hình; cách thống kê dữ liệu… Và việc nắm được và hiểu được nó để áp dụng trong thực tế cũng là một thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, nói vậy không phải là không có giải pháp, việc mình ghi chép lại những ví dụ thực tế và những bài giảng của các thầy cô rất tâm huyết sẽ luôn là nguồn kinh nghiệm quý báu. Những bảng biểu, quy trình, phân tích mô hình trong lúc học được mình ghi chú kèm theo những ví dụ thực tế là cách mà mình ghi nhớ bài giảng lâu hơn.

Về làm việc trong thực tế, mình nghĩ mỗi người phải tự cải thiện những kỹ năng mềm của mình và tập làm quen thích nghi với những môi trường khác nhau thì khi đó theo em mọi việc sẽ ổn cả mà.

PV: Theo bạn, SV FPTU có lợi thế gì khi bắt nhịp vào công việc thực tế, rút ra từ chính quá trình làm việc và học tập của bạn?

Nhật Trường: Mình thấy những kỹ năng và chương trình được giảng dạy tại trường đi sát với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp hiện tại. Do đó, những kiến thức từ những môn chuyên ngành và kỹ năng từ những môn soft-skills là một hành trang cần thiết trên con đường sự nghiệp sau này của mỗi người!

PV: Trở lại trường học, bạn có dự định gì, có thể “bật mí” được không?

Nhật Trường: Mục tiêu trước mắt của mình trong những học kỳ cuối là tiếp tục duy trì tốt việc học bên cạnh đó là bài bảo vệ luận án với những thử thách mới sắp tới. Ngoài ra, mình còn mong muốn nâng cao thêm những kỹ năng về giao tiếp và ngoại ngữ hơn nữa trong thời gian sắp tới!

PV: Cảm ơn Trường, chúc bạn sẽ thực hiện được những dự định của mình, và sẽ trở thành một marketer bản lĩnh trong tương lai!

OJT (On the job training) là chương trình thực tập tại doanh nghiệp kéo dài từ 4 – 8 tháng của sinh viên Đại học FPT. Sinh viên sẽ trực tiếp tham gia vào nhiều dự án với quy mô khác nhau để cọ xát, học hỏi và tích lũy kinh nghiêm thực tế quý báu. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh tiêu biểu của sinh viên Đai học FPT trên thị trường nhân lực thời gian qua.

PV