Sinh viên Marketing ra trường sẽ làm gì?

Có rất nhiều bạn sinh viên ra trường rồi vẫn còn mơ hồ về việc sẽ làm sau này. Điều đó dẫn đến việc bạn khó tìm được vị trí phù hợp để nộp hồ sơ hoặc đi làm rồi mới nhận ra mình không hề thích công việc đó.

Bài viết sau đây được thực hiện bởi một cựu sinh viên ngành Marketing (Đại học FPT) chia sẻ về công việc các bạn sinh viên chuyên ngành QTKD/Maketing có thể đảm trách sau khi ra trường.

Đôi lời giới thiệu về tác giả bài viết – Nguyễn Xuân Trung, cựu sinh viên Đại học FPT.

Môi trường làm việc

Chúng ta sẽ có Marketing tại Client và Agency.

Client: Hiểu nôm na là những công ty có sản phẩm dịch vụ mà chúng ta được tiếp xúc hàng ngày (còn nhiều loại client nữa nhưng tôi chưa đề cập). Chúng ta có thể kể ra rất nhiều công ty quen thuộc như Samsung, Unilever, Pepsi,… Bạn sẽ biết nhiều công ty như vậy vì bạn sử dụng sản phẩm/dịch vụ của họ hàng ngày.

Marketing tại client bạn sẽ được làm đó là:

Brand marketing: Những công việc liên quan tới thương hiệu, định vị, quảng cáo truyền thông cho sản phẩm, thương hiệu sẽ được phòng ban này thực hiện. Nói tóm lại đây là marketing hướng vào “mind” (tâm trí) của người tiêu dùng.

Trade marketing: Đây là vị trí marketing liên quan tới điểm bán hàng, kênh phân phối, như bán sỉ, bán lẻ, trưng bày ờ siêu thị, các cửa hàng tiện ích… Từ quản lý kênh phân phối, hoạt động trưng bày sản phẩm, khuyến mãi ở điểm bán, các hoạt động event… do trade marketing đảm nhận. Ví dụ bạn đang định mua kem đánh răng và PS là brand bạn nghĩ trong đầu (brand marketing làm) nhưng khi bạn đến cửa hàng mua lại thấy khuyến mãi của Close up tặng kèm quà hoặc là họ bố trí đẹp, bạn lại thay đổi quyết định mua hàng khi đó bạn đã bị trade marketing thuyết phục. Trade markeing hướng vào “shopper” (người mua hàng).

Agency: Có rất nhiều agency với đủ loại hình kinh doanh. Từ agency chuyên về nghiên cứu thị trường (như Nielsen, Vina Research,..); về quảng cáo truyền thông (như:  Ogilvy, Climax, Square Group,…); về tổ chức sự kiện… Với mỗi agency thì bạn sẽ làm ở những lĩnh vực khác nhau theo sở thích.

Môi trường ở Agency sẽ thích hợp với những bạn thích đổi mới, tư duy của bạn sẽ được thay đổi liên tục để phù hợp với nhóm khách hàng mà sản phẩm bạn nhận hướng đến. Có thể hôm nay bạn làm cho một thương hiệu rất nội trợ (bột giặt, hạt nêm,…), nhưng chỉ tuần sau thôi, bạn sẽ được tìm hiểu về nhóm sản phẩm cho doanh nghiệp (phần mềm,…). Hiện tại, mình đang làm ở agency, nên sau đây mình xin chia sẻ về những vị trí mà sinh viên marketing có thể làm khi ra trường. Còn phía client các bạn có thể tìm hiểu sau.

Thử sức tại Agency

Account Executive: Là nhân viên kinh doanh, hay chuyên viên quản trị khách hàng (Hãy nhớ sau này ai hỏi account là gì thì đừng nhầm đây là kế toán nhé). Bạn sẽ là cầu nối giữa khách hàng (client) và agency từ hợp đồng, giấy tờ, lên kế hoạch, phân chia nguồn lực, theo dõi tiến độ công việc, viết báo cáo để đảm bảo sản phẩm đưa ra đúng yêu cầu của client. Vị trí này bạn có cơ hội được làm với rất nhiều thương hiệu (brand) khác nhau, phối hợp với nhiều nhà cung cấp (supplier), thiết kế (designer),…. Agency dù lĩnh vực nào thì nhiệm vụ của Account Executive cũng như vậy, nhưng đòi hỏi  bạn phải có kiến thức về phân khúc, đặc thù sản phẩm để đi gặp khách hàng biết cách nói chuyện, giải thích cho họ. Account còn làm nhiệm vụ lên kế hoạch và chiến lược, nhưng ở tầm này bạn cần đi làm 2-3 năm. Chúng ta còn có một thuật ngữ gọi là “pitching” – đi đấu thầu. Khách hàng nghe các agency trình bày về ý tưởng chiến lược và sẽ chọn ra đơn vị phù hợp với yêu cầu nhất – có thể là do ý tưởng mà cũng có khi là vì giá.

Copywriter: Đây dành cho các bạn thích viết lách nhưng copywriter hiện nay không còn chỉ ngồi viết suốt ngày mà họ còn là người đưa ra chiến lược, ý tưởng cho quảng cáo. Copywriter sẽ làm việc với các bạn account/planner để cùng đưa ra ý tưởng. Bạn có thấy những quảng cáo Tết của Coca hay không? Hãy nhớ phía sau có một copywriter đã kể một câu chuyện khiến mọi người ai cũng xúc động.

Có rất nhiều agency để bạn lựa chọn tùy vào sở thích mỗi người. Nhưng làm agency rất cực. Nếu bạn muốn làm một công việc đúng 8 tiếng một ngày thì đây có lẽ không là nơi bạn nên làm. Ở agency không có khái niệm giờ giấc. Cứ làm xong việc là về, về nhà rồi vẫn còn làm nữa. Làm việc hết sức nhưng mà học được rất nhiều.

Chuẩn bị gì khi sắp ra trường?

Thấy nhiều bạn chuẩn bị không kỹ lưỡng bước này nên việc tìm việc rất khó khăn. Sao có bạn 1 tháng đã đi làm còn có bạn tìm mãi không công ty nào nhận? Bạn sẽ hiểu hơn khi đọc phần này nhé.

1 Hãy chủ động tìm việc từ năm ba

Tôi thấy có rất nhiều bạn có suy nghĩ ra trường rồi mới đi tìm việc. Thực ra các bạn hoàn toàn đúng. Năm 3 tìm việc làm gì? Cũng đâu có đi làm được. Nhưng đó mới chính là điểm khiến bạn khác biệt với những sinh viên khác. Từ năm 3 hãy lên các trang như Vietnamwork, Jobstreet, Careerbuidler tạo tài khoản rồi chọn công việc bạn muốn. Bạn có thể chọn sales, marketing, dịch vụ khách hàng. Mỗi ngày hãy dành vài phút sơ qua các tin tuyển dụng đó. Giả sử khi đọc tin tuyển dụng bạn nhận thấy mặt bằng chung các công ty yêu cầu điểm GPA là 7.0 thì hãy xem lại hiện tại bạn có đáp ứng được không? Nếu không thì bạn còn 1 năm để làm điều đó. Hoặc đăng ký các chương trình quản trị viên tập sự (management trainee) tất nhiên bạn chỉ đọc thông tin và thử điền vào đơn tuyển dụng các chương trình đó bạn sẽ nhận ra mình thiếu gì.

Nếu bạn biết được điều đó từ năm 3. Bạn sẽ có thời gian để chuẩn bị xem mình còn thiếu thứ gì và có kết hoạch bổ sung. Hãy đọc tin tuyển dụng mỗi ngày, tôi luôn làm vậy vì nhờ đó tôi cập nhật được cái nhà tuyển dụng cần và cái tôi không có. Đừng đợi ra trường rồi mới đọc lúc đó bạn không quay về học lại được đâu.

2 Tiếng Anh

Hãy tập trung vào kỹ năng nói vì đó là cái cơ bản khi bạn đi phỏng vấn. Sau khi đi làm thì kỹ năng viết lại cực kỳ quan trọng. Nếu cảm thấy việc viết khó quá thì bạn hãy luyện từ từ nhưng hãy luyện viết email nhé vì khi đi làm không chỉ viết báo cáo mấy chục trang bằng tiếng Anh, mà còn viết email cho khách hàng. Tôi còn nhớ chỉ có cái email 100 từ thôi gửi khách hàng nước ngoài mà sếp phải sửa lỗi vi văn phong không đúng và sai ngữ pháp. Sinh viên ĐH FPT nhà mình có thể đọc và nói tiếng Anh tốt vì ở trường làm hoài, nhưng viết mới là vấn đề bạn gặp khó khăn khi đi làm.

3 Khả năng chuyên môn

Bạn đừng nghĩ do là sinh viên nên nhà tuyển dụng không cần bạn có chuyên môn, thực ra cái họ cần là những thứ bạn đã học. Ở FU nếu bạn học kỹ các môn chuyên ngành marketing như Marketing strategy, Interactive marketing communication, Principle of marketing thì khi đi phỏng vấn và đi làm áp dụng rất nhiều. Các bạn đừng chủ quan là học ở trường chỉ là lý thuyết, đi làm ít khi áp dụng, đó là bạn chưa thật sự làm đúng vị trí chuyên về marketing. Tôi còn nhớ lúc đi phỏng vấn của tập đoàn Masan họ hỏi tôi “Chiến lược marketing của mì Omachi là gì?”, nếu bạn học kỹ lý thuyết bạn sẽ biết đó là chiến lược tấn công bên sườn (Flanker Strategy). Tất nhiên trong sách không nói về Omachi nhưng bạn hiểu định nghĩa của nó bạn có thể suy ra. Nếu bạn muốn làm chuyên về marketing thì phải thuộc hết các chiến lược và định nghĩa. Khi đi làm sếp chỉ nói bạn là “với sản phẩm này dùng chiến lược A, cái này dùng B, cái kia dùng C” đó là cái anh ấy chỉ bạn, còn ABC là gì thì bạn đã được học.

4 Đi thực tập

Đi thực tập chính là bước bạn làm quen với công việc sau này. Có thể những công việc bạn được làm chỉ là sai vặt rất nhàm chán nhưng đó là do bạn không tự chủ động thôi. Tôi còn nhớ hồi đi thực tập tôi đã nói với tổng giám đốc tại sao giao em ít việc vậy? Thế là ngày đó được “đặc cách” ở lại công ty tới 10h và sáng thứ 7 chủ nhật phải đi làm vì có dự án, trong khi các bạn khác được về. Nhưng nhờ đó tôi mới thấy đam mê cái nghề truyền thông này. Đừng ngồi chờ ai phân công việc cho bạn, hãy hỏi và hỏi mỗi ngày. Bắt họ đưa việc cho làm vậy bạn mới không phí thời gian đi thực tập.

Còn rất nhiều điều bạn cần phải học và trải nghiệm, nhưng cứ yên tâm đi. Nếu bạn chuẩn bị đủ trước khi ra trường tôi tin rằng bạn sẽ thành công. Chúc các bạn may mắn!

Xuân Trung/Theo Cóc đọc